Kỳ thú đội hát trống quân Đan Nhiễm

GD&TĐ - Bao năm nay từ người già đến người trẻ ở Đan Nhiễm (Hà Nội), ai cũng đều biết hát trống quân. Những câu hát trống quân đã trở thành mạch ngầm văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ… Tuy nhiên, ít ai biết để hát trống quân tồn tại đến nay đã có biết bao thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng rơi vào quên lãng.

Màn hát đối đáp của các thành viên CLB hát Trống quân xã Khánh Hà. Ảnh: TG
Màn hát đối đáp của các thành viên CLB hát Trống quân xã Khánh Hà. Ảnh: TG

Khơi “nguồn” di sản

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi trở lại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội là địa phương duy nhất còn lưu giữ làn điệu trống quân. Ngay từ đầu thôn, trong các nếp nhà ềm ệp sương sớm, đã nghe tiếng hát trống quân. Gặp một cậu bé khoảng 10 tuổi, khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về điệu hát trống quân thì cháu bảo, nếu muốn tìm người hát trống quân hay nhất làng thì đến tìm cụ Nguyễn Thị Vẫy.

Ngôi nhà nhỏ của cụ Vẫy nằm sát dòng Nhuệ Giang lúc nào cũng vui như tết. Bất cứ ai đến đây cũng đều được cụ “thết đãi” bằng những câu hát trống quân độc đáo. Sau khi “khoản đãi” các vị khách từ xa đến, cụ Vẫy kể cho chúng tôi nghe bao điều thú vị về nguồn gốc, xuất xứ cũng như giá trị ẩn chứa trong từng lời ca tiếng hát trống quân.

Các cụ già trong làng vẫn truyền nhau rằng, điệu hát đặc sắc của vùng có từ thời vua Lê Lợi. Cuộc trường chinh đánh giặc khiến ba quân tướng sĩ vô cùng mệt mỏi. Đức vua lo lắng, e rằng với tinh thần như vậy thì không đánh thắng nổi giặc. Ngài mới nghĩ ra một làn điệu hát, đánh thức quân thần, khích lệ tướng sĩ. Đầu tiên ngài cho hai đôi nam giả gái, để cùng hát đối đáp. Không có nhạc cụ, ông ra lệnh cho quân đào những chiếc hố nhỏ rồi dùng mâm đậy lên, lấy tay vỗ vào bể mặt, tạo ra tiếng vang. Không ngờ, chỉ một mẹo nhỏ, lời hát đơn giản lại có thể làm cho tinh thần quân sĩ trở nên phấn chấn, đánh thắng giặc, lập nên những chiến công hiển hách.

Theo cụ Vẫy, về sau điệu hát trống quân được truyền bá rộng rãi đến nhân dân, mỗi vùng tự biến thể cho phù hợp văn hóa quê mình nhưng vẫn giữ tên gọi gốc là hát trống quân. Cho nên bây giờ lời hát của trống quân cũng được ghép vần theo từng giai điệu của kiểu hát đối, hát ví, hát vận... rất ngẫu hứng, tự nhiên nhưng vẫn giữ được sự dí dỏm, hài hước, giản dị của người nông dân.

Tuy nhiên, ít ai biết để hát trống quân tồn tại đến nay đã có biết bao thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng rơi vào quên lãng. Nhắc đến điều đó, cụ Vẫy buồn lắm, bởi cụ là người đã quá nửa cuộc đời làm người nối dài sự sống của trống quân.

Muốn “cứu sống” một làn điệu văn hóa khỏi cơn “hấp hối” nhiều ngày. Ước nguyện bấy lâu được thực hiện. Những người hiểu biết về trống quân như cụ Nguyễn Thị Vẫy, Tôn Thị Tốn, Lê Văn Trường... và nhiều cụ khác nữa, đã cùng lúc dốc lòng thực hiện “dự án” khôi phục trống quân trên diện rộng. Cuối cùng hát trống quân đã “hồi sinh”, được “đánh thức” một cách bài bản.

Cụ Nguyễn Thị Vẫy kể về hát trống quân Đan Nhiễm
Cụ Nguyễn Thị Vẫy kể về hát trống quân Đan Nhiễm

Giữ cho di sản sống mãi

Cụ Vẫy chia sẻ, khi cụ đi vận động các cháu đến nghe hát trống quân, mắt đứa nào đứa nấy sáng lên khiến những người già như cụ cũng cảm thấy ấm lòng. Tuy các cháu còn nhỏ, chưa hiểu sâu về trống quân lắm, nhưng bước đầu đã có một lứa thế hệ có tiềm năng trở thành những “ca sĩ nhí” hát trống quân rất hay, rất đạt. Nhưng hiềm một nỗi thời gian rảnh rỗi của các bạn trẻ hơi eo hẹp, vừa đi học lại vừa làm công việc gia đình, nên thời gian để các cháu lĩnh hội bài bản các làn điệu trống quân quá ít ỏi, không thể truyền thụ hết một lúc được.

Hơn 10 năm qua, cụ Vẫy cứ một mình bền bỉ, từng chút gắn bó với việc làng, việc xã, lại còn trực tiếp đứng lớp dạy hát trống quân cho các thành viên trong câu lạc bộ. Ai cũng bảo, cụ già rồi nên tìm “truyền nhân” để thay cụ đảm nhận công việc này. Cụ Vẫy giống như một “người thầy” giảng bài rành rọt. “Tôi càng đi dạy trống quân, càng át bệnh tật, càng thấy khỏe ra”, cụ Vẫy tâm sự.

Sự tâm huyết với điệu hát trống quân của cụ Vẫy như một điều gì đó cuốn hút, quy tụ được nhiều người cao tuổi trong làng chung tay góp sức. Như ông Nguyễn Mạnh Tươi - một cán bộ xã giàu tâm hồn nghệ sĩ, yêu văn hóa, hiện nay là Chủ nhiệm CLB hát Trống quân xã Khánh Hà đã mạnh dạn “gõ cửa” Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiều lần để xin kinh phí sắm đạo cụ, trang phục, mở lớp bảo tồn vốn cổ.

Suốt 10 năm đằng đẵng với trống quân, cuối cùng “quả ngọt” đã đến với cụ Vẫy. Tính sơ sơ cũng có đến mấy lớp được cụ Vẫy “huấn luyện”, trở thành những tài năng hát trống quân có tiếng trong vùng. Dù đi hoạt động không có kinh phí nhưng hát trống quân ở Khánh Hà không vì thế mà bớt đi sự sôi động. Không ít lần “mang chuông đi đánh xứ người”, điệu hát trống quân Khánh Hà thường xuyên giành các giải “quán quân” tại các hội diễn dân ca, dân vũ, hội diễn văn nghệ không chuyên…

Nói về mong ước với điệu hát trống quân quê hương, Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Tươi tâm sự: “Bây giờ, tôi chỉ mong muốn các cụ nghệ nhân trẻ mãi để mở rộng thêm nhiều lớp hát trống quân. Mong trống quân tiếp tục được trao truyền, hun đúc và tỏa sáng cho nhiều lớp người tiếp nối…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lại lo pháo tự chế

GD&TĐ - Công an huyện Hương Khê và Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa triệt phá đường dây sản xuất và vận chuyển pháo lậu của một nhóm thanh thiếu niên trên địa bàn.