Từ miền núi đến miền xuôi, đồng bằng ra hải đảo, các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn tiếp tục tư vấn, hướng dẫn, giải đáp cho học sinh của mình hiểu về kỳ thi.
Song song với đó nhiều trường cũng đã lên kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh để các em có thể đạt được mục tiêu tốt nghiệp THPT, hoặc cao hơn là vào các trường ĐH, CĐ.
Quyết tâm vào cuộc
Đến thời điểm này, không khí vào cuộc ở các trường THPT có thể nói là rất quyết liệt. Thông qua giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, nhiều trường đã đánh giá tỷ lệ học sinh thuộc những nhóm năng lực nào để từ đó xây dựng các phương pháp hỗ trợ.
Thầy giáo Vũ Thế Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT A Hải Hậu (Nam Định) - cho biết: Nếu như những năm trước, vào dịp này học sinh của trường bắt đầu tập trung vào các lớp luyện thi thì năm nay tâm lý này đã giảm đáng kể.
Các em đã chủ động tìm hiểu các bài thi minh họa được Bộ công bố. Nhìn chung, tập thể giáo viên và học sinh nhà trường hết sức hào hứng với bộ đề thi minh họa của Bộ.
Hiện nay, song song với dạy học theo lịch học của khối 12, các tổ chuyên môn đang dựa vào bộ đề minh họa để tổng hợp lại kiến thức cho học sinh.
Tôi cho rằng, việc Bộ ban hành bộ đề minh họa đã giúp các nhà trường và học sinh chủ động trong việc ôn tập, còn với học sinh các em yên tâm hơn vì biết được dạng đề thi thế nào.
Cũng như vậy, không khí nhập cuộc ở Trường THPT Bãi Cháy (Quảng Ninh) rất quyết liệt. Thầy giáo Vũ Văn Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
Là một trường vùng ven của đô thị, khu vực có nhiều con em gia đình công nhân mỏ nên trường xác định các em sẽ đa dạng trong nguyện vọng theo học lên ĐH, CĐ.
Chính vì thế, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập cho học sinh khối 12 theo hướng có sự phân hóa trình độ học sinh và có kiểm tra, đánh giá định kỳ, để có sự thay đổi hướng ôn tập sao cho phù hợp và hiệu quả.
Đối với các học sinh có lực học yếu, chúng tôi cũng bố trí những giáo viên có kinh nghiệm và nghiệp vụ sư phạm tốt giúp các em củng cố kiến thức, đồng thời giúp các em làm quen với cách thức thi mới để các em không bỡ ngỡ.
Nhìn vào sự quyết tâm vào cuộc của các nhà trường, NGƯT.TS Triệu Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội - hết sức lạc quan khi ông đưa ra nhận định:
Mới vài tháng trước, còn có nhiều trường ĐH, CĐ vẫn còn hoài nghi về kỳ thi này thì nay sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đổi thay những suy nghĩ này.
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống giáo dục và cả xã hội được vận động để vào cuộc, điều này cho thấy ý nghĩa to lớn của Kỳ thi THPT quốc gia và trách nhiệm không chỉ của nhà trường mà là cả xã hội với kỳ thi này.
Thế nên, thành công của kỳ thi là điều chắc chắn, kỳ thi được tổ chức công bằng, nghiêm minh, đánh giá chính xác năng lực thí sinh sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 29 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Sự tin tưởng ngày càng cao
Có thể nhận thấy việc xã hội và các nhà trường tin tưởng vào Kỳ thi THPT quốc gia này là hoàn toàn có cơ sở.
Thực tế cho thấy quy chế thi THPT quốc gia ban hành cùng với các văn bản hướng dẫn đều khẳng định tính nghiêm minh của kỳ thi từ những chi tiết nhỏ như yêu cầu thí sinh phải thực hiện đúng những hướng dẫn cho đến sẽ xử lý kỷ luật nghiêm với cả thí sinh và cán bộ làm công tác coi thi nếu vi phạm quy chế.
Chính vì thế, song song với việc tư vấn, giải đáp những thắc mắc cho học sinh, nhiều trường cũng tuyên truyền để học sinh thấy được cần phải thực hiện nghiêm Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia, tuyệt đối tránh việc vi phạm sẽ dẫn đến bị xử lý.
TS Lê Văn Thanh (Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội) cũng bày tỏ sự tin tưởng cao vào Kỳ thi THPT quốc gia này khi ông cho rằng: Xã hội, nhà trường tin vào Kỳ thi THPT quốc gia cũng là điều dễ hiểu vì chắc chắn kỳ thi này sẽ khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây vì không chỉ là xét tốt nghiệp mà các trường ĐH, CĐ cũng sẽ dùng kết quả này để xét tuyển người học.
Thế nên, năng lực của thí sinh đến đâu sẽ thể hiện trên bài làm, điều này buộc những trường đại học được Bộ GD&ĐT giao chủ trì phải làm nghiêm vì có như vậy kỳ thi mới khách quan, chính xác, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển đúng người.
Còn nhớ những mùa tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước, nhiều trường hợp vi phạm quy chế đã bị ngăn chặn và xử lý nghiêm. Như năm 2013, giám thị ở điểm thi của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, từ nghi ngờ một thí sinh không giống với ảnh trong thẻ dự thi đã phát hiện ra một trường hợp đi thi thuê.
Sau đó, Đại học Phòng cháy chữa cháy đã phát hiện thêm 2 sinh viên năm thứ II cũng chỉnh sửa để qua mặt giám thị coi thi vào thi hộ.
Tất cả các trường hợp vi phạm của thí sinh và cán bộ làm công tác liên quan đến kỳ thi đều bị xử lý nghiêm tùy theo mức độ vi phạm, điều này một lần nữa làm nên tính răn đe cho Kỳ thi THPT quốc gia quan trọng này.
Chỉ còn gần 3 tháng nữa, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra, cho dù vẫn còn những âu lo nhưng nhìn chung tâm lý học sinh và nhà trường đều tin tưởng vào thành công của kỳ thi.
Nhiều đổi thay đã nhận thấy, đó là không cấm mà tự đóng cửa các lò luyện thi, đó là việc chấm dứt học tủ, học lệch trong các nhà trường và hơn thế nữa đó là việc bớt đi rất nhiều gánh nặng tốn kém cho gia đình và xã hội vào mỗi mùa thi.