Kỷ niệm "cười ra nước mắt" khi về quê ăn Tết

Thằng bé nhanh nhẩu giải thích: “Bao lì xì không phải để đẹp đâu ạ. Mẹ Mai bảo nhét tiền mừng tuổi vào bao lì xì cho kín đáo, mừng bao nhiêu cũng không ai biết. Cháu chắt nhà này nhiều, đưa tiền như mọi năm tốn kém lắm”...

Kỷ niệm "cười ra nước mắt" khi về quê ăn Tết

Tết đến, các cặp vợ chồng làm ăn xa quê lại rục rịch tay xách nách mang về quê đón Tết cùng gia đình. Tết là dịp quây quần tụ họp, con cái tỏ bày lòng hiếu thảo với cha mẹ, họ hàng, anh chị em có dịp tụ tập hàn huyên. Ai cũng muốn một cái Tết trọn vẹn, chu toàn, nhưng cũng chẳng tránh khỏi những câu chuyện bi hài dở khóc dở cười.

Canh rau ngót không có lá

Nhắc đến cái Tết đầu tiên ở nhà vợ, đến giờ Quang vẫn chưa hết ngại. Quang vốn là trai miền Trung chính hiệu. Duyên, vợ anh lại là gái Bắc.

Hai người học cùng trường đại học ở thành phố miền Trung quê anh. Tốt nghiệp xong, Duyên ở lại quê Quang làm giáo viên rồi làm đám cưới. Sau hai cái Tết ở nhà chồng, Tết này Quang đưa vợ ra Bắc ăn Tết.

Bữa cơm đầu tiên ở nhà vợ, Quang hăm hở xuống bếp phụ vợ và mẹ vợ nấu nướng. Mẹ vợ thương con rể, nhường cho Quang việc nhẹ nhàng nhất là nhặt mớ rau ngót để nấu canh. Cầm mớ rau lật lên lật xuống, Quang chẳng biết nhặt thế nào vì ở quê anh đâu có loại rau này.

Cuối cùng, Quang quyết định phần nào non thì giữ lại, già thì bỏ đi. Thành thử cả bó rau ngót to đùng chỉ còn lại một phần ngọn non ở mỗi cành, còn lại Quang vứt đi hết.

Ky niem

Đến lúc vợ anh lấy rau đi rửa, cô cầm rổ rau lèo tèo vài cọng cười ngặt nghẽo, định tìm túi rau Quang vứt đi để nhặt lại thì đã bị lẫn đủ thứ rác chồng chất lên.

Trưa hôm đó cả nhà ăn bát canh rau lõng bõng nước. Sợ Quang ngại nên chẳng ai nói gì, chỉ có đứa cháu của Duyên cứ liên tục thắc mắc tại sao canh rau ngót mà không có lá.

Nhầm giỏ quà, mất tiêu 5 triệu

Kỷ niệm tết với vợ chồng Hiền - Lâm còn “đau thương” hơn khi vì nhầm lẫn mà mất đứt thêm 5 triệu tiền quà biếu Tết. Mỗi lần về quê, vợ chồng Lâm đều chuẩn bị sẵn mấy giỏ quà để biếu họ hàng.

Năm nay, ngoài giỏ quà giống nhau, Lâm còn chuẩn bị sẵn một phong bao 5 triệu đồng để nhét vào giỏ quà biếu ông bác họ xa - người vừa giúp cậu em trai anh xin được việc làm ở huyện.

Phong bao được Lâm khéo léo cất dưới hộp bánh, nên thoạt nhìn mấy giỏ quà đặt trên bàn chẳng khác gì nhau. Đã cẩn thận để giỏ quà “đặc biệt” ra ngoài cùng, tiện lát nữa đi thì xách luôn, ai ngờ đúng lúc Lâm có việc phải chạy xuống bếp, mấy đứa trẻ con nghịch ngợm lấy ra xem rồi tráo đổi vị trí lúc nào anh chẳng hay biết.

Ky niem

Trong lúc chờ cậu em trai về nhà để đi cùng, hai vợ chồng Lâm tranh thủ xách một giỏ quà sang chúc tết nhà bà dì ở ngay cạnh. Ai ngờ, buổi chiều hai anh em đang định khởi hành, thì mẹ Lâm vừa sang chơi nhà dì gọi anh lại bảo: “Năm nay hai vợ chồng làm ăn khấm khá hay sao, khi nãy mẹ sang thấy dì cứ tấm tắc là hai vợ chồng mày hiếu thảo, mọi năm chỉ biếu quà mà năm nay còn biếu hẳn phong bì 5 triệu”.

Lâm nghe xong mặt mày tái mét, vội vàng kiểm tra lại giỏ quà trên tay thì không thấy tung tích chiếc phong bì mình đã để vào đâu. Sự nhầm lẫn tai hại khiến anh phải rút ví làm một phong bao 5 triệu khác. Vừa đếm tiền, Lâm vừa ngao ngán nghĩ đến kế hoạch đổi điện thoại mới cho vợ sau Tết vậy là đi tong.

"Lộ bài" tiết kiệm tiền mừng tuổi vì cậu con trai quý hóa

Còn Mai, chỉ vì một câu nói của cậu con trai mà bây giờ cứ nghĩ đến việc về quê chồng đón Tết, cô lại dở khóc dở cười. Mỗi năm về ăn Tết, cô đều mất mấy triệu tiền mừng tuổi vì cháu chắt nhà chồng rất đông, trong khi tiền mừng tuổi con trai cô nhận được có khi chỉ có mấy trăm ngàn.

Xót tiền, Mai nghĩ cách rút bớt số tiền mừng tuổi bằng việc bỏ ra mấy chục nghìn mua bao lì xì, đổi một tập tiền 10 nghìn mới cứng thay vì đưa tờ 50 nghìn như mọi năm. Vừa lịch sự vừa kín đáo, lại đỡ cảm giác “lỗ vốn” khi tiền mừng tuổi cứ không cánh mà bay.

Bàn chuyện đó với chồng, Mai chẳng để ý cậu con trai 5 tuổi đang ngồi cạnh cũng nghe được, cho đến khi hai vợ chồng Mai dẫn con trai đi chúc Tết họ hàng ở quê.

Ky niem

Vào nhà ông chú họ, Mai vui vẻ rút tập bao lì xì trong túi, phát cho mỗi đứa trẻ một phong bao đỏ chói. Con trai Mai khi nhận được tờ mười nghìn từ tay ông chú thì hồn nhiên hỏi: “Ông không có bao lì xì đỏ giống mẹ Mai ạ?”.

Ông chú cười: “Ông ở quê nên không mua được bao lì xì đẹp như ở thành phố con ạ”. Thằng bé nhanh nhẩu giải thích: “Bao lì xì không phải để đẹp đâu ạ. Mẹ Mai bảo nhét tiền mừng tuổi vào bao lì xì cho kín đáo, mừng bao nhiêu cũng không ai biết. Cháu chắt nhà này nhiều, đưa tiền như mọi năm tốn kém lắm”.

Mai tái mét mặt mày, vội vã mắng con để át đi. Tất cả mọi người trong nhà đều cười xòa cho qua chuyện, nhưng cô thì chỉ muốn có cái lỗ để chui xuống. Tiếng xấu đồn xa, ắt hẳn chỉ nay mai là cả họ nhà chồng đều sẽ nghĩ cô là cô con dâu keo kiệt, tính toán cả vài đồng tiền mừng tuổi cho cháu.

Một cái Tết nữa lại về, sự cố dở khóc dở cười năm ngoái khiến Mai vẫn đang đau đầu suy nghĩ có nên dùng phong bao lì xì như năm ngoái hay đưa thẳng tờ tiền cho xong chuyện.

Theo Em Đẹp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.