Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2024): Cách mạng tháng Tám trên quê hương Xô viết

GD&TĐ - Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 có sự đóng góp lớn của những người con xứ Nghệ trong đó có Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931).

Tranh vẽ “Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh” của Nguyễn Đức Nùng. (Ảnh: Bảo tàng Nghệ An)
Tranh vẽ “Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh” của Nguyễn Đức Nùng. (Ảnh: Bảo tàng Nghệ An)

Cuộc tổng diễn tập đầu tiên

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), chỉ sau 47 ngày, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng nhanh chóng ra đời (20/3/1930). Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân thị xã Vinh nói riêng và Nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Tuy tuổi đời còn non trẻ, nhưng phong trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh chính là sự kiện chính trị làm rung chuyển cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa tư bản. Đây còn được xem là cuộc diễn tập, rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này.

Từ tháng 5/1930, các cuộc đấu tranh của quần chúng diễn ra trong phạm vi toàn quốc, quyết liệt nhất là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tiêu biểu là cuộc biểu tình của hàng nghìn công nhân và nông dân Vinh – Bến Thủy ngày 1/5/1930 và cuộc đấu tranh của hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày 30/8/1930.

Trong lúc thực dân Pháp đang hoang mang, lo sợ, ngày 12/9/1930 nổ ra cuộc biểu tình của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kéo về thị xã Vinh. Sau khi nghe trống hiệu lệnh phát ra từ đình làng Xuân Hòa, lập tức tiếng trống, mõ, chiêng đồng từ làng này đến làng khác đồng loạt hưởng ứng. Cuộc đấu tranh sau đó còn có sự tham gia của nông dân tổng Nam Kim (huyện Nam Đàn) và công nhân Vinh - Bến Thuỷ.

Khi đoàn biểu tình tiến đến xã Thái Lão (cách Vinh khoảng 5km) thì bị 2 máy bay địch đến ném bom. Đến 16h chiều cùng ngày, khi Nhân dân đang chuyển thi thể các nạn nhân thì địch lại cho máy bay đến ném bom lần thứ hai. Hậu quả làm 217 người chết, hàng trăm người bị thương. Sự mất mát, đau thương không dập tắt được ý chí của người dân mà còn thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh khắp các địa phương, kéo dài cho tới năm 1931.

Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, chính quyền thực dân Pháp và phong kiến phải hoảng sợ. Nhiều tri huyện, lý trưởng nộp lại ấn tín hoặc chạy trốn, chính quyền của địch tan rã ở nhiều nơi.

Tại Nghệ An, tổ chức Nông hội với hình thức Xô viết đã nắm chính quyền ở các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần ở huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ở Hà Tĩnh, tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Đức Thông có tới 172 xã thành lập chính quyền Xô viết.

Các chính quyền Xô viết thay bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến thi hành các chính sách mới như trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ. Đồng thời xóa bỏ sưu thuế, xóa nạn mù chữ, bỏ tập tục lạc hậu, thành lập Đội Tự vệ đỏ để bảo vệ thành quả cách mạng.

Chỉ trong 2 năm 1930 – 1931, có 436 đội Tự vệ đỏ ra đời, với 15.434 đội viên. Trong đó, huyện Thanh Chương có số đội đông nhất với 128 đội, huyện Anh Sơn 94 đội, Diễn Châu 58 đội…

Nhận thấy tình hình bạo động nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng ra toàn quốc, đến giữa năm 1931, thực dân Pháp tập trung quân đội thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp đẫm máu. Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh dần lắng xuống, nhiều tổ chức cách mạng cơ sở chịu những tổn thất to lớn.

cach mang thang tam tren que huong xo viet (5).jpg
Các loại đao, kiếm của các đội Tự vệ đỏ ở Nghệ An sử dụng trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Phạm Tâm

Hừng hực khí thế mùa Thu cách mạng

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Vinh vẫn còn là thị xã, với một số xí nghiệp, nhà máy, bến cảng, hãng buôn của người Hoa, Pháp... Thời bấy giờ, Vinh có vai trò quan trọng, là trung tâm chính trị, quân sự... của chính quyền tay sai.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), thị xã này có hàng nghìn quân Nhật đóng. Bè lũ chính quyền tay sai cấu kết với quân Nhật luôn luôn tìm cách lùng sục, bắt bớ, đàn áp những người yêu nước hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng.

Những địa danh như: Làng Đỏ, Côn Mô, Trường Thi, ngã ba Bến Thủy... cùng với tên tuổi những người Đảng viên kiên trung như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Viết Thuật, Lê Mao, Đội Cung... đã làm rạng rỡ cho truyền thống cách mạng của mảnh đất Vinh anh hùng.

Trên chính trường thế giới, đầu tháng 8/1945, trước sự tấn công dồn dập, mạnh mẽ của quân Đồng minh (Liên Xô, Mỹ), quân Nhật không thể đứng vững, có nguy cơ thất bại ở Đông Dương.

cach mang thang tam tren que huong xo viet (3).jpg
Đội Tự vệ đỏ thuộc chiến khu Hỏa Quân và Đông Sở trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: (Bảo tàng Nghệ An)

Ngày 15/8/1945, ngay khi được tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa ở từng địa phương để lãnh đạo quần chúng Nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, Ủy ban Khởi nghĩa thị xã Vinh nhóm họp và nhận định rằng ở Vinh lúc này, mặc dù quân Nhật đang yếu thế nhưng vẫn còn vũ khí trong tay, nếu ta vũ trang cướp chính quyền thì sẽ có đổ máu.

Do đó, ủy ban đề ra chủ trương dùng lực lượng đông đảo của quần chúng Nhân dân để tổ chức các cuộc biểu tình thị uy nhằm gây thanh thế cho cách mạng. Đồng thời kết hợp với việc tuyên truyền, kêu gọi, thuyết phục quân Nhật đầu hàng để ta giành lấy chính quyền.

Sáng 21/8/1945, quần chúng Nhân dân các khu phố ở thị xã Vinh và ở các làng xã ngoại thành Vinh bao gồm các tầng lớp công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, trí thức… mang theo gậy gộc, gươm giáo, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu, rầm rập tuần hành, thị uy dọc các đường phố. Trước khí thế của cách mạng, quân Nhật phải chấp nhận mọi yêu cầu của Nhân dân đưa ra. Đúng 12h trưa ngày 21/8/1945, quần chúng kéo đến bao vây Dinh tỉnh trưởng Nghệ An, buộc tỉnh trưởng Đặng Hướng phải tuyên bố đầu hàng cách mạng.

Lúc này, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An do ông Lê Viết Lượng (1900 - 1985) làm Chủ tịch ra mắt đồng bào thị xã Vinh, đồng thời tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở thị xã Vinh thắng lợi thúc đẩy nhanh chóng việc khởi nghĩa cướp chính quyền ở các huyện còn lại trong tỉnh. Chỉ trong vòng 9 ngày (từ 18 - 26/8/1945) cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An hoàn toàn thắng lợi. Thắng lợi của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Nghệ An góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước, mở ra kỷ nguyên độc lập mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

cach mang thang tam tren que huong xo viet (4).jpg
Bảo tàng Nghệ An trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về Cách mạng tháng Tám lịch sử. (Ảnh: Phạm Tâm)

“Địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử

Nằm trên con đường Đào Tấn ở thành phố Vinh, Bảo tàng Nghệ An đang lưu giữ hàng trăm hiện vật, tài liệu quý giá liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và Cách mạng tháng Tám. Hằng ngày, bảo tàng mở cửa đón hàng trăm lượt khách đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Nghệ An.

Lần đầu đến thăm thành phố Vinh, em Trần Tiến Nhật Minh (SN 2009, trú tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) lựa chọn Bảo tàng Nghệ An là một trong những điểm đến của mình. Dạo quanh một vòng tầng 3, Nhật Minh nhìn ngắm không rời mắt những hiện vật, hình ảnh về thời kỳ Cách mạng Tháng Tám.

Được cán bộ bảo tàng giới thiệu và thuyết minh, nam sinh đến từ tỉnh Cà Mau xa xôi không khỏi ngạc nhiên, thán phục trước tinh thần, ý chí cách mạng quật cường của các bậc tiền bối.

cach mang thang tam tren que huong xo viet (6).jpg
Du khách đến tham quan khu trưng bày về Cách mạng Tháng Tám tại Bảo tàng Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)

“Cháu từng xem tranh, ảnh về Xô viết Nghệ - Tĩnh và Cách mạng Tháng Tám, nhưng khi đến bảo tàng cháu cảm thấy rất xúc động và bồi hồi. Người dân Nghệ An rất quả cảm và có tình yêu nước sâu đậm. Các anh hùng đã không tiếc máu xương để phụng sự cách mạng, từ người già đến người trẻ, từ thanh niên trai tráng đến những em nhỏ”, Nhật Minh chia sẻ. Nam sinh cũng cho biết, khi về nhà sẽ kể lại những câu chuyện được nghe ở bảo tàng cho người thân và bạn bè.

Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý di sản và tư liệu lịch sử, mỗi dịp tháng Tám, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (cán bộ Phòng Trưng bày, tuyên truyền và giáo dục, Bảo tàng Nghệ An) lại không khỏi xúc động mỗi khi được thuyết minh, giới thiệu về “Mùa Thu cách mạng” cho du khách. Đối với chị Hằng, mỗi hiện vật trưng bày đều mang trong mình một câu chuyện, mà ở đó gắn liền với sự mất mát, hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ. Chính vì lẽ đó, nữ cán bộ này luôn dành hết tình cảm, sự biết ơn, quý trọng vào công việc của mình.

“Tôi rất mừng vì thế hệ trẻ bây giờ, đặc biệt là các em nhỏ ngày càng quan tâm và yêu thích tìm hiểu về lịch sử. Khu vực trưng bày về Cách mạng Tháng Tám luôn thu hút được các em quan tâm và tìm hiểu. Với vai trò là cầu nối, tôi rất muốn truyền tải cho thế hệ trẻ thấy được không khí sục sôi của thời kỳ cách mạng đó”, chị Hằng chia sẻ.

Trong thời kỳ Đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An đang phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, làm theo mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời: “Nghệ An phải trở thành một trong những tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ - Tĩnh anh hùng”.

Nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào trong biển máu, nhưng truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ”.

_______________________________

Tài liệu tham khảo:

- Sách “Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam” - Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2008.

- Sách “Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, xuất bản năm 2020.

- Cuốn “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 14, 2011.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ