Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024): Ở ngã tư A1

GD&TĐ - Trên đất nước Việt Nam có biết bao ngã ba, ngã tư trong đó có nơi trở thành địa danh nổi tiếng như Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Du khách thăm quan Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Thủy
Du khách thăm quan Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Thủy

Còn ngã tư A1, tôi tin chắc rằng khi xảy ra cuộc chiến tranh dữ dội tại chiến trường Điện Biên Phủ, cách đây tròn 70 năm, nó chưa từng xuất hiện.

Điều này có nghĩa là ngã tư A1 không phải là nơi chứng kiến cuộc giao tranh “giành nhau từng tấc đất” giữa ta và địch hoặc nơi túi bom, chảo lửa khốc liệt một thời. Ngã tư A1 thuộc về thời bình, nơi chiến trường dữ dội năm xưa đã im tiếng súng, trả lại cho lòng chảo Điện Biên sự yên bình để phát triển, nơi bạn có thể nhìn về sau, ngắm trước mặt và hướng mắt ra xa.

Ngã tư A1 được nhiều du khách biết đến nhờ vị trí của nó. Theo hướng từ Hà Nội đi về thì ở bên trái là đồi A1 lừng lẫy. Xuôi qua, bạn sẽ nhìn thấy Nghĩa trang A1 và Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Lên đồi A1 để nhìn tận mắt những dấu tích nơi đã diễn ra các trận chiến, lặng người đi khi được biết, để đánh đổi chiến thắng trên ngọn đồi này là sự hy sinh của biết bao người con đất Việt. Đến giờ, đất đồi A1 vẫn mang màu đỏ như màu máu của các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc của 70 năm về trước.

Vào Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ để xem những hiện vật, hình ảnh, bài viết về chiến tranh. Cảm phục vì sự sáng tạo, vươn lên không ngừng trong hoàn cảnh khó khăn, biến thứ đơn sơ thành thứ làm nên điều phi thường trong một cuộc chiến không cân sức. Tự hào bởi tình yêu đất nước, khát vọng độc lập tự do luôn là ngọn lửa rực cháy trong trái tim của mỗi người Việt Nam, tạo thành sức mạnh không gì có thể khuất phục được. Sang thăm Nghĩa trang liệt sỹ A1, chìm đắm trong không khí linh thiêng của hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ luôn thoang thoảng mùi thơm của những nén hương và hoa theo mùa.

Ngã tư A1 là chứng nhân cho sự thay đổi của Điện Biên. Quốc lộ chạy qua đã có từ lâu, nay được mở rộng thành hai làn đường rộng rãi. Đường chạy xung quanh đồi A1 và đồi F khoảng 40 năm về trước là đường đất nhỏ, gập ghềnh nay đã được trải nhựa phẳng phiu, trên vỉa hè lát gạch, trồng hoa ban mà mỗi tháng 3 về lại tỏa hương thơm man mát. Hướng ra phía hầm de Castries là cầu A1 thênh thang nằm vắt mình trên dòng Nậm Rốm. Hàng ngày, từng dòng người và xe cộ nườm nượp qua lại.

Ngã tư này không chỉ là một trục đường giao thông quan trọng của thành phố Điện Biên Phủ mà còn là nơi tôi có thể đứng ngắm nhìn từng đoàn người qua đây khi về thăm lại chiến trường xưa.

Đó là đoàn các bác cựu chiến binh với huân huy chương lấp lánh trên ngực; là các bà, các cô, các chị em mặc áo dài thướt tha; là học sinh với đồng phục và khăn quàng đỏ tung bay trong gió; là khách nước ngoài, lưng đeo ba lô, tay mang lỉnh kỉnh máy ảnh, máy dịch cầm tay… Họ đến từ nhiều nơi, tìm hiểu một thời kỳ lịch sử đáng nhớ của dân tộc để trân quý những gì đang có của cuộc sống hòa bình hôm nay.

Cứ vào dịp 7/5 hằng năm, ngã tư rực rỡ cờ đỏ sao vàng và những bộ quân phục xanh lá. Trong số các cựu chiến binh trở về thăm chiến trường, thế hệ chúng tôi thường gặp những con người từng vào sinh ra tử ở chiến trường nơi đây. Đó là các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa đi qua ngã tư để vào thăm đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ A1. Nhân chứng của một thời khói lửa trên chiến trường Điện Biên Phủ thưa vắng dần theo quy luật của tự nhiên nhưng tình đồng đội gắn bó keo sơn vẫn in sâu trong tâm trí bao người.

Con đường hoa ban chạy đến ngã tư dưới chân đồi A1. Ảnh: Thu Thủy

Con đường hoa ban chạy đến ngã tư dưới chân đồi A1. Ảnh: Thu Thủy

Tôi biết có bác Phạm Đức Cư nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 367 pháo cao xạ, năm nay trên 90 tuổi. Bác là người đã tham gia “kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra sau đó lại kéo vào”, là đồng đội với anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Bác kể rằng, những người cùng thời với bác bây giờ ở Điện Biên chỉ còn lại vài cụ, hầu như đã già yếu. Bản thân bác cũng đau yếu luôn song năm nào cứ vào ngày Thương binh liệt sĩ và Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bác đều bảo con cháu đưa vào thắp hương cho đồng đội trong Nghĩa trang A1. Chiến sĩ Điện Biên Phủ là thế, họ không chỉ anh hùng mà còn rất nghĩa tình.

Ngã tư A1 ban ngày đông đúc, ồn ào là vậy nhưng đêm khuya trở về sáng vắng vẻ, tĩnh lặng. Khoảng 5 giờ sáng, lác đác một vài người qua lại. Một lần, tôi đứng lặng nhìn người nông dân đi trên xe máy cũ chở nặng nông sản kịp tới phiên chợ sớm được chiếu lên nhờ ánh đèn màu vàng nhấp nháy liên hồi ở ngã tư A1. Một cái gì đó gợi lên từ ký ức xa xôi.

Tôi nhớ về Điện Biên trong những năm tháng khó khăn của mấy thập kỷ trước. Vẫn là những bóng hình cần cù, chịu khó thức khuya dậy sớm, chỉ khác là những sọt hàng chất cao hơn và thay xe đạp bằng xe máy, thậm chí cả ô tô tải chở hàng loại nhỏ. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia lao động miệt mài để tạo nên những mùa hoa trái trên mảnh đất xưa từng bị xới nát bởi bom đạn chiến tranh. Người Điện Biên là thế, áo vẫn sờn vai, mồ hôi vẫn đổ chát mặn nhưng lòng người ở đây vẫn gắn bó tha thiết. Bên dòng Nậm Rốm, con người vẫn chịu thương chịu khó với đồng ruộng, vườn tược để phủ một màu xanh no ấm.

Một buổi sáng mùa Xuân, khi những cây hoa ban phủ trên mình màu trắng tinh khôi, có đôi trai gái đi qua ngã tư A1 và tiến vào Nghĩa trang Liệt sĩ. Họ di chuyển qua từng ngôi mộ liệt sĩ, thắp nén hương và đứng lặng nhìn những làn khói bay nhẹ trong ánh hồng ban mai buổi sớm. Họ đang hạnh phúc. Họ biết hạnh phúc này có được nhờ những con người không tiếc máu xương đã hy sinh để giành độc lập tự do. Trước mắt họ, con đường cuộc đời đang rộng mở với bao hoài bão và khát vọng tương lai nhưng họ cũng không bao giờ quên những gì đã diễn ra của 70 năm trước.

Ngã tư A1, nơi đứng đó có thể nhìn về quá khứ, hiện tại và thậm chí cả tương lai của Điện Biên. Sự hòa trộn về thời gian trong một không gian gợi nhiều cảm xúc cho những người đã từng qua đây. Và sâu thẳm là lòng biết ơn các thế hệ đi trước, niềm tự hào với mảnh đất và con người hôm nay để cùng chứa chan hy vọng vào một Điện Biên trên con đường phát triển!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.