Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Những giai điệu vang mãi tới mai sau

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thủ đô nghìn năm văn hiến luôn là cảm hứng sáng tác vô tận cho các văn nghệ sĩ.

Hà Nội vỡ oà hạnh phúc đón đoàn quân giải phóng cách đây 69 năm.
Hà Nội vỡ oà hạnh phúc đón đoàn quân giải phóng cách đây 69 năm.

Đặc biệt, những năm tháng chiến tranh, trước và sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.

Những ca khúc đi theo năm tháng

Đã có hàng trăm ca khúc viết về Hà Nội từ những ngày đầu khói lửa của cuộc chiến tranh cho đến khi đất nước thanh bình, lặng im tiếng súng: “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Hà Nội những bản tình ca”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Hướng về Hà Nội”, “Sẽ về Thủ đô”, “Tiếng nói Hà Nội”...

Quả thật, mỗi nhạc phẩm viết về Hà Nội đều có sắc thái riêng. Nhưng có hai nhạc phẩm của hai con người tài hoa đặc biệt xuất chúng hơn cả, đó là “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, và bài “Người Hà Nội” của thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Cả hai ca khúc đặc biệt này đều được viết trước Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, như một dự cảm về ngày chiến thắng, ghi dấu lịch sử trên mảnh đất Thủ đô thân yêu.

Ca khúc “Người Hà Nội” đã được các nhạc sĩ đồng thuận bỏ phiếu là bài hát hay nhất về Hà Nội, còn nhạc phẩm “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao lại có một vị thế riêng, như hạt ngọc tinh tuý, chắt lọc đặc biệt hiếm hoi trong những cơn mưa ca khúc về Hà Nội.

“Người Hà Nội” còn mãi với thời gian

Con đường mang tên thi sĩ Nguyễn Đình Thi chạy dài ven Hồ Tây lộng gió với hàng liễu rủ xanh mát. Mỗi lần qua đây, giai điệu bài hát “Người Hà Nội” lại vang lên linh thiêng, hùng tráng: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội…”.

Dù qua bao năm tháng, nhưng bài hát vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng người yêu âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã từng nhận định: “Tất cả những bài hát của chúng tôi thì khi chúng tôi mất đi thì có thể cũng thôi. Nhưng riêng bài hát “Người Hà Nội” của anh Nguyễn Đình Thi, Hà Nội còn thì bài hát vẫn còn mãi với thời gian”.

Có lẽ vị thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa này xuất thân là một người con Hà Nội, quê gốc của ông ở làng Vũ Thạch, nay là phố Hàng Trống, một trong 36 phố phường của Thủ đô.

Mảnh đất quê hương ấy đã cho ông cách cảm, cách nghĩ để rồi bật ra những nốt nhạc trầm bổng, những lời ca tuyệt đẹp. Trong lời ca ấy có “Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng…”, có “Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm… Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…”.

Mùa Thu năm 1947, bài hát được ra đời trong hoàn cảnh thật đặc biệt, Nguyễn Đình Thi lúc này đang là Đại biểu Quốc hội, ông có nhiệm vụ ra vào thành vận động trí thức đi theo kháng chiến.

Trong hồi kí của mình ông viết: “Bài Người Hà Nội tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học từ hồi còn ở Trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô.

Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19/12, tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và một cảnh tượng rất hùng tráng hiện ra, sau này đã xuất hiện trong bài hát: “Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo…”.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Bài ca 20 năm sau ngày giải phóng

Bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” của nhà thơ Tạ Hữu Yên, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Thanh phổ nhạc thành ca khúc là một trường hợp đặc biệt, bởi nó ra đời sau Ngày Giải phóng Thủ đô 20 năm.

Năm 1974, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề Hà Nội - nhân 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Thành đến “đặt vấn đề” với ông làm một bài thơ để mình phổ nhạc.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên nhận lời, ông lang thang khắp phố phường Hà Nội để nhặt nhạnh từng mảnh ký ức về những ngày tháng cũ. Và, bài thơ rồi bài ca “Cảm xúc tháng Mười” ra đời, như sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu Hà Nội.

Trong cuộc thi sáng tác ca khúc đó, bài “Cảm xúc tháng Mười” đã được trao giải Nhất và được chọn để phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Cao .

Nhạc sĩ Văn Cao .

“Tiến về Hà Nội” với khí thế hào hùng

Có người đã từng ghi: “Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày chiến thắng”.

Quả không sai, “Tiến về Hà Nội” với khí thế hào hùng, sôi nổi, đầy phấn chấn, reo vui của lòng người và của âm nhạc như để viết riêng cho Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Người nghệ sĩ, nhạc sĩ dường như lúc nào cũng có một dự cảm trước, bài hát “Tiến về Hà Nội” là khúc ca khải hoàn chiến thắng, hình ảnh chân thực, sống động nhất về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Có điều đặc biệt, ca khúc này không phải ra đời tại thời điểm lịch sử quan trọng đó, mà được người nhạc sĩ tài hoa sáng tác trước đó 5 năm.

Lúc còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã từng chia sẻ về hoàn cảnh xuất xứ của ca khúc này: “Khi về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3.

Riêng phần nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: “Những ca khúc của cậu làm tôi rất xúc động. Nhất là bài “Làng tôi” và bài “Trường ca sông Lô”. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm! Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi…”.

Nhà lãnh đạo còn dặn nhạc sĩ Văn Cao: “Nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé”.

Khi nhạc sĩ Văn Cao ra về, nhà lãnh đạo và người nhạc sĩ tài hoa đi cùng nhau trên một đoạn đường dài, chính câu nói hôm ấy của người con cách mạng: “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công. Nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô” đã khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Văn Cao.

Có lẽ, không có ca khúc cách mạng nào lại phù hợp khi cất lên tiếng hát vào Ngày Giải phóng Thủ đô như bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát tuy được viết trước ngày Thủ đô được giải phóng 5 năm, nhưng người nhạc sĩ như nhìn thấu trước tất cả.

Với dòng suối trữ tình lãng mạn lại vừa hào hùng, khí thế hiên ngang và vui mừng của đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Thủ đô. Tiến về Hà Nội là bản anh hùng ca bất tử trong tượng đài âm nhạc của Thủ đô yêu dấu đến tận mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.