Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển - Báo Mỹ: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện”

GD&TĐ - Nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”.

Nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện”.
Nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện”.

Đoàn tàu “không manh mối”

Quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961) được coi là một sáng tạo chiến lược của Đảng, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo từ lịch sử.

Trước yêu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, ngày 23/10/1961, Đoàn Vận tải quân sự với mật danh “Đoàn tàu không số” được thành lập. “Đoàn tàu không số” có nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược tới những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới.

Vì thế, cần thiết kế, cải hoán những con tàu chuyên dụng thành tàu có hai đáy. Đặc biệt, phải tạo dáng giống tàu đánh cá của nước ngoài để tránh sự nghi ngờ của địch.

Tháng 7/1964, Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam đã họp để chọn các phương án tiếp nhận vũ khí. Hàng loạt các vị trí dọc 189 km bờ biển của tỉnh Phú Yên đều được đưa ra xem xét và cân nhắc.

Có hai phương án, một là chọn Vịnh Xuân Đài - Sông Cầu. Đây là vịnh có địa thế tốt, nước sâu, tàu ra vào, trú ẩn tiện. Tuy nhiên, vịnh có nhược điểm là hành lang phía sau hẹp. Do đó, nếu tiếp nhận và vận chuyển một lượng hàng hóa lớn sẽ dễ bị lộ… Phương án thứ hai là Vịnh Vũng Rô.

Khu vực này có thế mạnh nước sâu, nhiều hang hốc đá thuận tiện cho cất giấu hàng hóa và vận chuyển về phía sau. Sau khi đánh giá, phân tích, Vũng Rô được chọn là nơi tập kết hàng hóa của những con tàu không số huyền thoại.

Địch đã thực hiện những kế hoạch phong tỏa quy mô lớn suốt từ Vịnh Bắc Bộ cho tới Vịnh Thái Lan với một hệ thống tuần tiễu ngoài biển, trên các con sông và kênh rạch. Tuy nhiên, không thể tìm ra manh mối của một con đường tiếp tế trên biển. Bởi, khi có nguy cơ bị phát hiện, một số thủy đoàn thuộc “Đoàn tàu không số” đã tự đánh đắm và thủ tiêu con tàu.

Trên tờ Naval Institute Press, Đại tá Mỹ R. Schrosbay từng nhận định: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó.

Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.

Tháng 9/1965, P.Paul, Phó Đô đốc Hạm đội 7 của Mỹ cùng Tướng Westmoreland tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, quyết định tăng cường các biện pháp ngăn chặn tuyến chi viện bằng đường biển của ta.

Theo đó, những máy bay thuộc Hạm đội 7 phụ trách việc cảnh giới ngoài khơi bằng hệ thống phát hiện điện tử suốt ngày đêm, từ Vĩ tuyến 17 đến Vịnh Thái Lan. Các căn cứ không quân ở Vịnh Cam Ranh và Vũng Tàu chịu trách nhiệm giám sát tất cả các cửa sông thuộc Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Vượt qua tưởng tượng

Đối phương không thể ngăn chặn các chuyến tàu chở đầy vũ khí của ta cập bến.

Đối phương không thể ngăn chặn các chuyến tàu chở đầy vũ khí của ta cập bến.

Sau một thời gian ngắn, lực lượng trên biển của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã được tăng cường thêm nhiều máy bay, radar và các lực lượng quan sát khác. Với hệ thống giám sát, tuần tra, ngăn chặn dày đặc, song, đối phương vẫn không thể ngăn chặn được các chuyến tàu chở đầy vũ khí của ta cập bến.

Nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”.

Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa ra nhiều phương án, biện pháp và giả thiết hòng xóa sổ tuyến chi viện bằng đường biển của ta. Tuy nhiên, tất cả kế hoạch đều thất bại. Nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi vì nguyên cớ gì.

Hay, bằng chiến thuật, bằng kỹ thuật, sự màu nhiệm nào mà những con tàu bé nhỏ của ta có thể vượt qua bão tố, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của hạm đội hùng mạnh. Thời điểm đó, Mỹ cho rằng, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua sự tưởng tượng thông thường.

Trong cuốn sách “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa”, Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “… Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển... Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ - ngụy)”.

Suốt 14 năm hoạt động (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục nghìn lượt người đến các chiến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ