(GD&TĐ)-Sáng nay (12/11), Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 thành lập khoa Ngữ văn, 15 năm thành lập khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ học.
Đông đảo các thế hệ cán bộ, sinh viên đã về dự lễ kỷ niệm 55 năm thành lập khoa Ngữ văn. Ảnh: gdtd.vn |
Ra đời mùa thu năm 1956, trải qua bao lần tách nhập với các tên gọi khác nhau (Khoa Xã hội, Khoa Văn Sử, Khoa Ngữ Văn…) và hàng chục lần di chuyển địa điểm sơ tán trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đến nay, Khoa Ngữ Văn xưa, Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học nay đã đi qua một chặng đường phát triển hơn nửa thế kỉ.
Dẫu tên gọi nhiều lần đổi khác, nhưng Khoa Văn học vẫn là một trong những khoa lớn nhất, có truyền thống lâu đời nhất của Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.
Khoa Văn học là một trong những cơ sở đại học đầu ngành của cả nước về giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời là một trung tâm nghiên cứu văn học, văn hoá – nghệ thuật với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên khảo, chuyên luận có quy mô và chất lượng, có uy tín khoa học trong và ngoài nước.
55 năm qua, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu và giáo trình của các thế hệ cán bộ giảng dạy Khoa Văn học được xuất bản, hàng ngàn bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Chỉ tính trong vòng 10 năm (1996 – 2006), cán bộ giảng viên của Khoa đã cho xuất bản 158 cuốn giáo trình, chuyên luận, sách tham khảo phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Khoa Văn học là đơn vị đã có 100% số giáo trình của tất cả các môn học thuộc khối kiến thức của hai ngành đào tạo Văn học và Hán Nôm học.
Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Văn học đã đào tạo được 52 khoá sinh viên đại học chính quy, 37 khoá tại chức, nhiều khoá mở rộng, chính quy không tập trung và cao đẳng chuyển hệ đại học với hàng chục nghìn người đã và đang làm việc tốt ở các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông báo chí, phát thanh và truyền hình, các cơ quan văn hoá – nghệ thuật ở trung ương và địa phương… Trong số đó, nhiều người đã trở thành những cán bộ cao cấp giữ những trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đã trở thành các nhà nghiên cứu có năng lực ở các viện khoa học; nhiều người được biết đến như những nhà khoa học nổi tiếng; nhiều người đã trở thành những giáo sư, phó giáo sư ở các trường đại học khắp cả nước; hàng trăm nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông đại chúng quốc gia và địa phương vốn xuất thân từ Khoa Văn học; nhiều người là tổng biên tập, phó tổng biên tập các báo và tạp chí, là giám đốc, phó giám đốc các nhà xuất bản, các đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương.
Đặc biệt, Khoa Văn học là cái nôi đào tạo và trưởng thành của nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi. Trong số gần 1000 hội viên Hội nhà văn Việt Nam có gần 100 nhà văn trưởng thành từ Khoa Văn học (36 nhà thơ, 33 nhà văn, 28 nhà lí luận phê bình văn học, 1 kịch tác gia). Mấy chục năm qua, nhiều sinh viên đã đạt các giải thưởng quốc gia qua các kì thi sáng tác văn học.
Khoa Văn học không chỉ là một cơ sở đào tạo cử nhân Văn học và Hán Nôm chất lượng cao mà còn là một trong những cơ sở đào tạo Sau đại học có uy tín. Đến nay Khoa đã đào tạo được hơn 100 PTS và TS, 132 thạc sĩ. Hiện Khoa đang đào tạo khoảng 500 sinh viên chính quy, 200 sinh viên không chính quy, 200 HVCH và 20 nghiên cứu sinh.
Trải qua hơn nửa thế kỉ xây dựng và trưởng thành, tập thể Khoa và nhiều cá nhân đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1995; Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2001. Ngoài ra, Khoa còn được tặng 28 giấy khen, 18 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Hiếu Nguyễn