(GD&TĐ) - Gần trăm công đoàn viên là các cán bộ, nhân viên cơ quan Bộ GD&ĐT, từng là các cựu quân nhân đã tề tựu sáng nay 21/12 Công đoàn – Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ GD&ĐT để tham dự lễ mít tinh, găp mặt truyền thống và nói chuyện chuyên đề nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Biên Phủ trên không” 12/1972 – 12/2012. Tham dự buổi lễ có nhân vật lịch sử đặc biệt của những ngày tháng không quên đó là Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng; nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai.
Anh hùng Phạm Tuân ôn lại những ngày khói lửa hào hùng |
Nhớ lại những ngày chiến tranh vô cùng khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc, Trung tướng Phạm Tuân - người đã lái chiếc Mic 21 đối đầu và trở thành phi công đầu tiên bắn hạ Pháo đài bay B52, cho biết: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trước nguy cơ thất bại Mỹ chỉ còn con át chủ bài là B52 để đánh Hà Nội hòng ngăn chặn sự chi viện của ta cho miền Nam và uy hiếp nhân dân ta cũng như giành lợi thế trên bàn đàm phán ở Paris. B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân |
Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật. Trung bình mỗi đêm, Mỹ đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ. Với tầng tầng lớp lớp B52 cùng với hàng loạt máy bay yểm trợ. Khi đó nhận được lệnh đón đánh B52 tôi bay lên từ sân bay Yên Bái, nhanh chóng tiếp cận B52 trong vòng chưa đầy 1 phút với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h. Tôi bắn 2 quả tên lửa và thấy B52 bốc cháy như quả cầu lửa, hoàn thành nhiệm vụ chiếc Mic21 bật ngửa và thoát ra an toàn - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Đại diện lãnh đạo Bộ, các cựu quân nhân và Anh hùng Phạm Tuân |
Nhấn mạnh nguyên nhân vì sao chúng ta ta chiến thắng một đế quốc hùng mạnh với khí tài quân sự hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ, với nhiều trang bị vũ khí hiện đại, trong khi nền kinh tế chúng ta còn thấp kém, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, với quyết tâm sắt đá đánh Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt là khả năng tiên đoán trước thời cơ và nhiệm vụ của Bác Hồ như việc Bác khẳng định chỉ có thể kết thúc chiến tranh Việt Nam khi Mỹ chịu thua trên bầu trời Hà Nội, rồi năm 1960 Mỹ đưa B52 vào sử dụng thì Bác cũng đã chỉ đạo Binh chủng phòng không không quân nghiên cứu trước cách đánh vì Bác chắc chắn chúng sẽ mang B52 sang đánh phá Hà Nội. Tất cả đều đúng như dự báo của Bác chỉ sau khi chúng ta chiến thắng trên bầu trời Hà Nội thì năm 1973 Mỹ mới chịu ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã bày tỏ lời cám ơn chân thành tới Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân đã tới gặp mặc các cựu chiến binh của cơ quan Bộ GD&ĐT, ôn lại những ngày tháng lịch sử chiến tranh hào hùng của dân tộc. Để những anh chị em cơ quan Bộ, những người đã từng tham gia quân đội, đã từng nghe đến tên tuổi của Anh hùng Phạm Tuân từ lâu nhưng hôm nay đã được gặp mặt trực tiếp, được nghe một chứng nhân lịch sử kể lại trực tiếp chiến công hiển hách của mình.
Yên Thúy