Kỷ nguyên “co giãn” của Brexit

GD&TĐ - Sau nhiều tháng tranh luận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một từ vựng mới xuất hiện, sau khi đã có từ vựng “Brexit” (rời đi): Flextension - mô tả sự trì hoãn đối với Brexit mà Thủ tướng Theresa May có thể mong đợi. 

Thủ tướng Theresa May (giữa) tại Hạ viện ở London trong một cuộc điều trần về thỏa thuận Brexit. Ảnh: TNT.
Thủ tướng Theresa May (giữa) tại Hạ viện ở London trong một cuộc điều trần về thỏa thuận Brexit. Ảnh: TNT.

Đó cũng là một sự trì hoãn với thời gian có thể bị cắt ngắn, nếu Quốc hội châu Âu phê chuẩn thỏa thuận rút khỏi EU của Anh.

Thuật ngữ mới cho Brexit

Mặc dù từ này nghe có vẻ lạ lẫm, tuy nhiên “Flextension” vẫn được coi là một sự cải tiến về một thuật ngữ cho quá trình Brexit.

Dù được gọi là gì đi nữa, các nhà phân tích vẫn không chắc chắn rằng bà May có thể thành công trong việc đề xuất ý tưởng của mình khi đối diện với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào tuần sau hay không.

Thực tế, bất kỳ ai trong số các nhà lãnh đạo EU cũng có thể phủ quyết bất kỳ sự gia hạn nào, khiến Anh phải đối mặt với nguy cơ một Brexit hỗn độn, không có thỏa thuận vào ngày 12/4 - mốc thời hạn đã được đẩy lùi một lần so với trước đây.

Theo thỏa thuận trước đó, Anh dự kiến sẽ tách khỏi EU vào ngày 29/3 và đã được trì hoãn một lần. Các nhà lãnh đạo EU tuyên bố nếu họ cho phép lần trì hoãn thứ hai (và nếu sự trì hoãn này kéo dài hơn) thì nước Anh phải tham gia cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU đang ngày càng mất kiên nhẫn với Anh và có thể muốn xem xét một khoảng thời gian trì hoãn ngắn khác, để buộc Quốc hội Anh phải lựa chọn giữa các phương án Brexit: Hoặc theo kế hoạch của bà May, hoặc đồng ý về một điều tương tự, hoặc tách khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. 

Đầu tuần này, bà May đã tìm cách phá vỡ bế tắc trong nhiều tháng qua, khi tiếp cận với đối thủ của mình là ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động đối lập, để cố gắng đạt được thỏa thuận.

Họ đã gặp nhau, nhưng phiên làm việc đã kết thúc mà không có sự đột phá nào. Tuy nhiên, với các cuộc đàm phán đang diễn ra một cách chậm chạp giữa hai phe, với ý chí khác biệt giữa các đảng chính trị chính, có lẽ nước Anh không có đủ thời gian để có một thỏa thuận toàn diện một cách kịp thời - ngay cả khi các bên có thể có những điểm thống nhất trong những ngày tới.

Vì vậy, bà May đang phải suy nghĩ về việc yêu cầu trì hoãn Brexit lâu dài, với thời hạn có thể từ 9 tháng đến 2 năm. Điều đó có nghĩa là nước Anh sẽ tham gia cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu vào tháng tới, điều mà bà May muốn tránh.

Mặc dù vậy, chính phủ của bà vẫn đang chuẩn bị những công việc cần thiết về thủ tục cho cuộc bầu cử này. Trong tình thế ấy, nếu bà May có thể thuyết phục EU đồng ý về một quá trình trì hoãn ngắn ngày, nỗi e ngại về nguy cơ nước Anh sẽ không bao giờ tách khỏi EU nếu có một sự trì hoãn kéo dài, sẽ được xoa dịu.

Liệu có gia hạn lần thứ hai?

Dẫu vậy, thực tế là người Anh chẳng còn mấy thời gian để bàn bạc, trong khi điểm chung giữa chính phủ và phe đối lập khá ít ỏi. Một số người gợi ý rằng bà May có thể chấp nhận một liên minh hải quan với EU, bảo đảm không có thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vào lục địa châu Âu để bảo vệ các công ty sản xuất.

Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy bà May sẽ chấp nhận một đề xuất của đảng Lao động để kết nối với thị trường chung của EU. Điều đó sẽ xóa bỏ nhiều rào cản hơn đối với hàng hóa và dịch vụ, nhưng lại gây những vấn đề liên quan đến việc chấp nhận di chuyển tự do của công dân Anh và EU. Đây là điều mà bà May đã tuyên bố sẽ nỗ lực ngăn chặn và là một phần quan trọng của Brexit.

Các đồng minh của bà May, giờ đây ít nói về việc đạt được thỏa thuận cuối cùng, mà bàn nhiều hơn về việc liệu có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo EU về một quá trình đang được tiến hành, để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay.

Thỏa thuận Brexit của bà May, vốn bị các nhà lập pháp Anh từ chối đến ba lần, có khả năng sẽ trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi ở Brussels vào tuần tới, xung quanh các điều khoản để bà May kiến nghị gia hạn Brexit lần thứ hai với EU.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ