Kỹ năng thuyết trình: “Biến” nỗi sợ thành niềm vui

GD&TĐ - Không phải ai trong chúng ta cũng tự tin phát biểu trước đám đông. Bởi vậy, việc trẻ lo sợ khi thuyết trình được coi là điều dễ hiểu.

Thuyết trình tốt không phải là tố chất, mà là quá trình mài giũa. Ảnh minh họa
Thuyết trình tốt không phải là tố chất, mà là quá trình mài giũa. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nỗi sợ này có thể chuyển thành sự tự tin, nếu cha mẹ hiểu và dạy con kỹ năng này. Có thể trẻ không được đánh giá dựa trên kỹ năng thuyết trình. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp của con sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập và tác động lớn đến sự nghiệp, cuộc sống sau này. Đặc biệt, kỹ năng thuyết trình cũng là “bước đệm” giúp trẻ trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai. 

“Chìa khoá” mở cửa tương lai

Ông Tony Ngô - Chủ tịch và người đồng sáng lập Everest Education chia sẻ, quá trình nắm vững kỹ năng nói trước đám đông (thuyết trình) là một hành trình căng thẳng, nhưng vô cùng cần thiết. Dù đối với ngành Giáo dục, khoa học hay kinh doanh, kỹ năng thuyết trình là công cụ đắc lực mang lại thành công cho trẻ.

“Tuy nhiên, trường học ngày nay không thực sự dạy kỹ năng thuyết trình. Chúng ta thường dành phần lớn thời gian để học viết và ngữ pháp, nhưng ít ai trau dồi kỹ năng giao tiếp. Thỉnh thoảng tôi lại gặp vài phụ huynh nói rằng, họ không nghĩ kỹ năng thuyết trình quan trọng, bởi ở trường không chấm điểm kỹ năng này”, ông Tony Ngô chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cho rằng, dù hiện tại trẻ không được đánh giá dựa trên kỹ năng thuyết trình, nhưng khả năng giao tiếp của con sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập và tác động lớn đến sự nghiệp, cuộc sống sau này.

Ở trường, có rất nhiều tình huống đòi hỏi trẻ phải đứng lên phát biểu trước thầy cô, bạn bè như: Bài kiểm tra miệng, báo cáo, đọc trước lớp, dự án, họp lớp, thể thao, kịch nghệ, câu lạc bộ, hoạt động gây quỹ... Mặc dù một số học sinh có thể nói tự nhiên trước đám đông, nhưng số khác thường có xu hướng sợ hãi.

Ông Tony Ngô nhấn mạnh, việc nói trước đám đông thành thạo sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp. Bởi, thuyết trình bao gồm giao tiếp bằng lời nói cũng như cử chỉ. Đây là những yếu tố cần thiết trong việc truyền tải thông điệp hiệu quả. Khi học những lớp cao hơn, nhiều giáo viên thường cho điểm học sinh dựa trên bài thuyết trình. Khi đó, người học có kỹ năng thuyết trình tốt sẽ đạt điểm cao hơn.

Cha mẹ có thể giúp con giao tiếp cởi mở hơn thông qua hoạt động thường ngày. Ảnh minh họa
Cha mẹ có thể giúp con giao tiếp cởi mở hơn thông qua hoạt động thường ngày. Ảnh minh họa

“Tạm” quên nỗi sợ thuyết trình

Bên cạnh đó, việc học cách giao tiếp trước đám đông hiệu quả sẽ giúp trẻ tự tin hơn.

“Bạn có biết rằng, nói trước đám đông là một trong những nỗi sợ hãi lớn và phổ biến nhất trên thế giới? Nói chuyện trước đám đông thường xuyên sẽ giúp trẻ dần vượt qua nỗi sợ này. Con sẽ dần nói chuyện ít vấp hơn, tự tin hơn, mạnh dạn giơ tay phát biểu trong lớp, dám thể hiện suy nghĩ của mình, và sẵn sàng tham gia vào những cuộc tranh luận lành mạnh khi cần thiết”, chuyên gia chia sẻ.

Quan trọng hơn cả, kỹ năng thuyết trình được coi là “chìa khoá” để trẻ trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng trong tương lai.

“Khả năng dẫn dắt của một người có liên hệ chặt chẽ với khả năng kết nối và truyền cảm hứng đến người khác. Các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất cũng thường là những diễn giả giỏi nhất. Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là khiến người khác hiểu rõ tại sao họ nên nghe theo bạn, tại sao họ nên hy sinh thời gian và công sức để làm việc cho bạn. Kỹ năng nói tốt trước công chúng sẽ giúp bạn thuyết phục được họ và cho phép họ thấu hiểu bạn”, ông Tony Ngô lý giải.

Để giúp trẻ có thể thuyết trình trước đám đông, chuyên gia này khuyến khích, các con cần biến nỗi sợ thành niềm vui. Quan trọng là gia đình, nhà trường cần tạo ra một môi trường vui vẻ, thoải mái để trẻ tự tin nói trước đám đông.

Thay vì nhấn mạnh trẻ phải nói như thế nào cho hoàn hảo, cần biến công việc nói trước đám đông thành một trò chơi. Đặc biệt, người lớn có thể thay cụm từ “nói trước đám đông” hay “thuyết trình” bằng tên một hoạt động khác. Như vậy, trẻ sẽ không cảm thấy áp lực. Bởi, khi càng ở trong trạng thái thoải mái, trẻ càng có thể nói tốt hơn. 

Cha mẹ, nhà trường nên tạo môi trường thoải mái nhất giúp con thuyết trình tốt. Ảnh minh họa
Cha mẹ, nhà trường nên tạo môi trường thoải mái nhất giúp con thuyết trình tốt. Ảnh minh họa

Trau dồi “kỹ thuật” thuyết trình

Cũng theo ông Tony Ngô, người lớn thường vội vã dạy trẻ các kỹ thuật nói trước đám đông cho hay, cho đúng. Tuy nhiên, kỹ thuật có thể được trau dồi khi luyện tập.

“Điều quan trọng hơn là hướng dẫn trẻ xây dựng một thông điệp, câu chuyện hay đáng được lắng nghe. Bài phát biểu tốt cần phải đáp ứng tốt các yếu tố bao gồm nội dung câu chuyện, bố cục, cấu trúc bài nói, giọng điệu, và cảm xúc của người nghe. Nên bắt đầu bài nói như thế nào? Những ý chính nào là quan trọng nhất? Nên nhấn mạnh ở đâu, lật ngược vấn đề thế nào?”, chuyên gia này nói thêm.

Bên cạnh đó, để cải thiện khả năng thuyết trình, trẻ được khuyến khích tìm kiếm những bài phát biểu hay trên mạng xã hội. Bởi, theo ông Tony Ngô, việc giúp trẻ học hỏi từ những bài phát biểu hay là cách hiệu quả nhất để minh hoạ cho con bài học về kỹ năng thuyết trình. Vì vậy, cha mẹ nên ngồi xem cùng con và thảo luận về những yếu tố như: Đó là bài thuyết trình tốt hay không? Vì sao con thấy hay? Vì sao con thấy dở? Họ nói với âm lượng như thế nào? Họ dẫn dắt thế nào? Sử dụng ngôn ngữ cơ thể ra sao?

Chuyên gia này cũng gợi ý, cha mẹ nên dùng điện thoại để ghi lại khi trẻ luyện tập thuyết trình.

Biện pháp phù hợp với mỗi trẻ

Tuy nhiên, đối với mỗi trẻ, cha mẹ được khuyến khích cân nhắc đưa ra cách giáo dục khác nhau, bao gồm giúp con trở thành người có kỹ năng thuyết trình tốt. Và, một trong những cách giúp cha mẹ đưa ra biện pháp hiệu quả là dựa vào chủng vân tay của trẻ.

Chuyên gia giáo dục và là nhà sáng lập Hotkids Việt Nam - bà Lại Thị Hải Lý cho rằng, đối với những trẻ có chủng vân tay nước xuôi (UL), cha mẹ cần làm mẫu, hướng dẫn bằng cả hình ảnh và lời nói. Như vậy, trẻ sẽ ghi nhớ và thực hiện lại chính xác.

Trong khi đó, nếu trẻ mang chủng vân tay núi (Arch), phụ huynh nên từ từ dạy con. Những trẻ này sẽ tiếp thu được tất cả vì có khả năng hấp thu không giới hạn.

Nếu trẻ có 2 chủng vân tay WT và WS (đại bàng), chuyên gia giáo dục cho rằng, cha mẹ nên quan tâm, nói chuyện với con nhiều hơn. Đặc biệt, để có kỹ năng thuyết trình, hùng biện tốt hơn, phụ huynh cần cho trẻ tham gia các hoạt động đội, nhóm, trò chơi tập thể. Đây là những biện pháp hiệu quả để trẻ phát triển rèn luyện kĩ năng giao tiếp, trở nên ngày càng cởi mở, hòa đồng hơn.

“Trẻ sở hữu chủng vân tay tắc kè (WI) có những tính cách của người đa mục tiêu, chủ động lập kế hoạch cho mọi việc của mình. Việc của cha mẹ là đồng hành, nhắc nhở bé hoàn thành các việc đã vạch ra. Cha mẹ nên cho trẻ quyết định hôm nay học gì, làm gì… Sau đó, hãy giám sát, động viên và điều chỉnh các việc ấy theo hướng đúng đắn nhất”, bà Hải Lý gợi ý.

Trong khi đó, rất hiếm người có chủng vân tay mắt công (WP). Nếu trẻ sở hữu chủng này, cha mẹ có thể dễ dàng định hướng và giúp con có những kỹ năng tuyệt vời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ