Kỹ năng đến từ… bài tập hè

GD&TĐ - Với kỳ nghỉ hè trong trạng thái làm quen lại với điều kiện bình thường mới, nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh mong có bài tập hè để rèn luyện kỹ năng và bù đắp kiến thức.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Rèn trách nhiệm học tập

Với câu hỏi:“Con nghĩ sao nếu phải làm bài tập vào dịp nghỉ hè?”, tôi khá bất ngờ với câu trả lời của các bạn học sinh, bởi tôi hình dung các em sẽ mong có một mùa hè không bài tập.

“Em mong được thầy cô giao cho chút bài tập, hoàn thành theo tuần để bọn em có trách nhiệm với việc học tập, rèn kỹ năng ôn tập và không bị quên kiến thức. Nếu suốt kỳ nghỉ dài chỉ có tự học, khi bắt nhịp lại với việc học ở trường sẽ là sự khởi đầu lại đầy sức ì đối với học sinh”, Thanh An, học sinh lớp 7 chia sẻ.

Còn với Minh Tâm, học sinh lớp 4 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nghỉ hè nếu chỉ sinh hoạt tự do, không được làm bài tập của thầy cô như mọi năm, gần đến ngày đi học là cảm giác quên hết kiến thức đã học. Vậy nên, Minh Tâm cũng mong muốn được thầy cô giao cho chút bài tập để hệ thống lại kiến thức trong năm học.

Khác với những năm trước, phần lớn thời gian của năm học này, học sinh cùng toàn xã hội trải qua giai đoạn thích nghi với tình hình dịch bệnh để sống và học tập. Bởi vậy, khó tránh khỏi những thiếu hụt về kỹ năng và kiến thức, đòi hỏi thời gian để bồi đắp, củng cố.

Cô Nguyễn Thị Thuý Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Kỳ nghỉ hè tới, theo tôi thầy cô nên có hệ thống bài tập để phụ huynh chủ động cho học sinh ôn tập hè. Giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ căn cứ vào tình hình học tập của học sinh để xây dựng nội dung cần ôn tập, củng cố kiến thức cho các em.

Nhiều thầy cô kiến nghị, nên cho học sinh quay lại trường từ tháng 8, để ôn tập bổ sung kiến thức. Ngoài học văn hóa, nhà trường nên tổ chức các bộ môn năng khiếu: Hát múa, vẽ, cờ vua, cờ tướng, bóng rổ,… Đặc biệt, với học sinh lớp 1 lên lớp 2, rất cần rèn nền nếp học tập thì mới có thể học lớp 2 một cách hiệu quả.

Cùng đó, hệ thống bài tập là một vấn đề đáng quan tâm. Có thể giáo viên hệ thống hóa kiến thức, yêu cầu các nội dung ôn tập. Cũng có thể giới thiệu cho cha mẹ học sinh những cuốn sách tham khảo, để họ chủ động theo dõi, hướng dẫn các con học tập. Nhà trường nên khuyến khích giáo viên giao bài tập (phiếu) theo tuần để giúp học sinh củng cố, bồi đắp kiến thức (nhất là đối với học sinh yếu).

Việc giao bài tập hè không thể bắt buộc giáo viên, bởi họ cũng cần có thời gian nghỉ. Đặc biệt, với gần hết thời gian năm học dạy online, giáo viên đã vô cùng vất vả. Tuy nhiên, việc giao bài tập cho học sinh trong dịp hè chỉ có thể thực hiện khi có sự thống nhất giữa cha mẹ học sinh và giáo viên. Và để thực hiện tốt việc này, rất cần sự tâm huyết, trách nhiệm của mỗi giáo viên, sự đồng lòng nhất trí của phụ huynh.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Thời gian của kỹ năng sống

Thực tế, sau thời gian dài học trực tuyến, không ít học sinh gặp tình trạng hổng kiến thức và đại đa số trong trạng thái hổng kỹ năng. Bởi vậy, vào dịp nghỉ hè, ngoài việc quan tâm hướng dẫn các con tự học, bố mẹ cũng cần lưu ý rèn thêm các kỹ năng cho con.

Đồng quan điểm với cô Nguyễn Thị Thuý Minh, cô Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên – Hà Nội) cho rằng: Với những năm học bình thường, việc giao bài tập hè không thực sự cấp bách. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong thời gian nghỉ hè, ngoài việc cho học sinh tham gia sinh hoạt tại địa phương, thầy cô và cha mẹ cũng nên hướng dẫn các em một số nội dung ôn tập, củng cố kiến thức.

Thời gian này, phụ huynh cần chú trọng rèn các kỹ năng cho học sinh như: Vệ sinh phòng dịch, lao động tự phục vụ, phòng tránh đuối nước, phòng tránh tai nạn thương tích... Có thể cho con tham gia các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu về văn nghệ, thể dục thể thao... giúp trẻ có một kỳ nghỉ hè vui, khỏe.

Cô Hà Ánh Phượng – giáo viên Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng nhất trí quan điểm nên giao lượng bài tập phù hợp và linh hoạt hoá dạng bài tập. Theo đó, thầy cô cần chia nhỏ kiến thức và lượng bài tập cho nhiều nhóm đối tượng, để các em luyện tập phù hợp với năng lực cá nhân.

Theo cô Phượng, có thể ứng dụng các ứng dụng (app) để giao bài tập, tạo cộng đồng học tập của lớp, cho học sinh cảm giác vừa học, vừa chơi. Lưu ý sử dụng một số app có chức năng giám sát quá trình, tiến độ làm bài của học sinh giúp cho cả thầy cô và phụ huynh nắm được. Việc này sẽ tạo cho học sinh không khí sinh hoạt tập thể, tạo môi trường giao lưu thường xuyên giữa học sinh với nhau và với thầy cô giáo. Các em sẽ có thêm không gian thoải mái trao đổi, tích luỹ kiến thức mà không phải lo đến thời lượng như trong năm học.

Đồng ý rằng, học văn hóa là nhiệm vụ của thời gian học chính khoá, song chiếm lĩnh các kiến thức văn hoá là việc mỗi người học không nên để gián đoạn. Thời gian nghỉ hè, cha mẹ hãy ưu tiên hơn tới việc rèn các kỹ năng sống cho con nhưng đừng quên giúp con duy trì thói quen học tập.

Cha mẹ có thể định kỳ cùng con đem bài vở ra ôn luyện, nhắc nhở con thực hiện các nhiệm vụ hè của một học sinh. Có thể cùng con củng cố kiến thức bằng những trò chơi đố vui, điền vào chỗ trống, nối cột hay hái hoa dân chủ (bốc thăm) hoặc vấn đáp để trẻ luôn giữ được nhịp học tập và linh hoạt trong việc xử lý kiến thức… Cùng đó, khuyến khích trẻ đọc sách, báo phù hợp với lứa tuổi cũng là một trong những cách hữu ích “chăm sóc não bộ” của trẻ.

Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng: Nghỉ hè là thời điểm quan trọng để trẻ trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, giao tiếp xã hội, học cách thích nghi và ứng phó với các biến đổi của môi trường một cách thực tế mà không trường lớp nào đủ điều kiện để dạy. Bởi vậy, lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là, hãy lắng nghe về những thứ “con muốn, con thích, con cần”, từ đó giúp trẻ lựa chọn những hoạt động bổ ích và phù hợp nhất cho khoảng thời gian nghỉ, chuẩn bị năng lượng cho một năm học mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.