Kỷ lục Việt Nam: tái hiện sử Việt bằng thơ lục bát

GD&TĐ - Bấy lâu nay nhiều người vẫn thường quan niệm rằng học môn Lịch sử khô khan, nhiều con số, nhiều sự kiện khó nhớ. Chính vì thế học sinh ngại học, điểm kiểm tra, điểm bài thi khó đạt điểm cao. 

Kỷ lục Việt Nam: tái hiện sử Việt bằng thơ lục bát

Nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo Lê Văn Cường, thế hệ 8x, dạy môn Lịch sử cho học sinh Trường Trung học phổ thông Cảm Ân (thôn Đoàn Kết, xã Cảm Ân, Yên Bình, Yên Bái) đã độc đáo tái hiện toàn bộ lịch sử thế giới bằng thơ lục bát.

Cuốn sách Đại cương thế giới sử thi dài 3.456 câu, đứa con tinh thần của thầy chào đời đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là tác phẩm lịch sử thế giới bằng thơ lục bát dài nhất Việt Nam.

Chỉ có lòng yêu nghề...

Cầm trên tay cuốn sách của thầy khiến tôi không khỏi tò mò. Nguyên cớ nào, một thầy giáo trẻ miền núi lại dốc tâm sức, thổi niềm đam mê sử học thế giới của mình bằng những vần thơ lục bát Việt Nam điệu nghệ như vậy.

Quả thật, khi trò chuyện với thầy, tôi thực sự ngưỡng mộ một tài năng, một nhà giáo trẻ. Bởi chỉ có tâm huyết với nghề, yêu nghề “đưa đò thầm lặng” thầy Cường mới làm được những điều phi thường ấy.

Sinh năm 1984, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tây Bắc, thầy Cường về dạy ở Trường Thác Bà, được 2 năm, rồi chính thức về dạy ở Trường Cảm Ân.

Tính đến nay đã 11 năm thầy Cường đảm trách dạy môn Lịch sử cho học sinh trung học phổ thông. Đây là môn học mà học sinh các tỉnh lẻ, nhất là các em miền núi hay chọn thi vào đại học bởi là môn học thuộc, dễ gỡ điểm nếu như chăm học.

Tuy nhiên, với kiến thức đồ sộ cả lịch sử Việt Nam và thế giới, không phải bất cứ em học sinh nào cũng dễ dàng đỗ điểm cao. Tình trạng chung học sinh cả nước là ngại học Sử, cho đây là môn học khó, bắt nguồn từ hai phía cả người học và người dạy.

Thầy cho rằng: “Mình là giáo viên nên hoàn toàn chủ động, phải đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả môn Lịch sử, miễn sao những kiến thức lịch sử của thầy giúp các em học sinh phải dễ học, dễ nhớ và đặc biệt phải nhớ lâu”.

Trải lòng mình với nghề, thầy Cường chia sẻ, mấy năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn đề cập đến hiện tượng học sinh bị điểm kém môn Lịch sử.

Khi các trường, các tỉnh công bố số lượng học sinh lớp 12 chọn thi môn học này ngày càng ít đi, thậm chí có cụm thi trắng thi sinh thi Sử đã khiến bản thân thầy, một giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn không khỏi suy nghĩ.

Môn Lịch sử đang đứng trước một thực tế ngày càng ít được học sinh quan tâm, coi là môn học phụ. Không ít bài thi thí sinh làm qua loa, đại khái, nhầm lẫn kiến thức cơ bản một cách tai hại. Thầy nghĩ cách truyền tải lịch sử bằng thơ cho học sinh dễ học.

Thế là thầy bắt tay vào sáng tác. Cũng có những đồng nghiệp tiền bối từng viết lịch sử Việt Nam bằng thơ nhưng chưa sâu, còn lịch sử thế giới chưa ai viết.

Đặc biệt, thầy nghĩ viết lịch sử bằng thơ lục bát thì học sinh dễ học, dễ nhớ bởi vần điệu đưa đẩy, gần gũi với các em hơn. Viết bằng văn xuôi thì giống các môn học khác, nhưng viết bằng thơ lục bát dễ gây ấn tượng và cảm tình với học sinh.

Quả nhiên, tiết dạy Lịch sử của thầy học sinh học tập hào hứng hơn. Bởi thầy đã truyền tải kiến thức lịch sử thông qua các vần thơ lục bát rất dễ nhớ, dễ học.

Những giờ dạy Lịch sử của thầy Cường thường được thầy mở đầu bằng những câu thơ lục bát nói về lịch sử, luôn được các em đón đợi.

… Mới viết nên trang sử cổ tích

Qua hơn hai năm trăn trở, nung nấu, với hơn 4 tháng bắt tay vào viết, toàn bộ lịch sử thế giới đã được thầy giáo trẻ 8x Lê Văn Cường tái hiện bằng 3.456 câu thơ lục bát Việt Nam.

Vinh dự hơn, đứa con tinh thần của thầy vừa chào đời – cuốn sách Đại cương thế giới sử thi đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là “Tác phẩm lịch sử thế giới bằng thơ lục bát dài nhất Việt Nam”.

Nhưng có lẽ, điều thành công hơn cả đó chính là nhờ những sự kiện, con số tái hiện qua vần thơ lục bát dễ đọc, dễ nhớ, nhớ lâu, dễ truyền miệng ấy của thầy mà tiết học Sử không còn nhàm chán dễ khiến học sinh buồn ngủ. Hai năm qua, thầy đã có 4 học sinh của trường đoạt giải học sinh giỏi Lịch sử trong kỳ thi của tỉnh Yên Bái, trong đó có một giải Nhất.

Trong cuốn sách được thầy Cường tóm tắt khá đầy đủ về lịch trình phát triển của lịch sử thế giới, phác họa những hình ảnh từ thời kỳ đầu của loài người, từ cổ đại cho đến hiện đại; từ xã hội chưa có giai cấp đến hình thành giai cấp, có cả những kiến thức cập nhật các sự kiện thời sự diễn ra gần đây, trong khi sách lịch sử giáo khoa hầu hết mới chỉ cập nhật đến thời điểm năm 2000.

Bằng niềm đam mê, sức sáng tạo và tình yêu với văn chương và lịch sử, thầy Lê Văn Cường đã vượt qua nhiều khó khăn để thành công với cuốn sách Đại cương thế giới sử thi.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở sự thành công này, thầy Lê Văn Cường đang gấp rút hoàn tất bản thảo lịch sử bằng thơ đối với lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương tỉnh Yên Bái.

Thầy Cường bật mí, cuốn lịch sử Việt Nam bằng thơ sẽ có dung lượng lớn gấp 10 lần cuốn Đại cương thế giới sử thi và hiện đã hoàn thành bản thảo.

Cũng chính từ tác phẩm độc đáo này, ngày 8/1/2017 thầy Lê Văn Cường đại diện cho ngành Giáo dục, được trao giải Nhì cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật trẻ của tỉnh Yên Bái năm 2016.

Một mùa xuân nữa lại về, tôi thầm chúc cho tổ ấm của thầy sẽ có nhiều niềm vui hơn nữa. Nhưng quả thật, tôi khâm phục và ngưỡng mộ một tài năng, lòng nhiệt huyết lửa nghề, bởi thầy đã vượt lên những khó khăn trong cuộc sống của giáo viên trẻ gắn với giáo dục vùng núi lạc hậu, vẫn phải lo cơm áo gạo tiền, vẫn trăn trở khi vợ vẫn đang làm gia sư tiếng Anh để cùng chồng nuôi con gái nhỏ 5 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ