HS rất cần sự động viên, khích lệ từ phía GV |
(GD&TĐ) - Cô giáo lớp 1 của tôi rất nghiêm khắc và luôn tôn thờ kỷ luật thép. Chính vì vậy, mặc dù đã 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mỗi buổi sáng, những đứa bạn cùng xóm học chung lớp bị cha mẹ kéo lê tới trường, do sợ cô, sợ tới lớp. Năm lớp 1 của chúng tôi trôi qua không dễ dàng gì bởi trong đầu lúc nào cũng ám ảnh hình ảnh chiếc thước lim dài trên bục giảng. Quá nửa số trẻ cùng lứa trong làng khi đó đều học kém tôi một lớp là vì thế.
1. Ngày đầu tiên con gái đi mẫu giáo, tôi nóng ruột đến đón con sớm và đứng sững khi thấy con một mình ngồi trên mấy tấm đệm được kê cao đến trên một mét. Nhìn con khóc nấc, nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt non nớt, vừa sợ, vừa thèm được chơi đồ chơi như các bạn, lòng tôi nghẹn lại. Hỏi ra mới biết, đó là hình phạt cô dành cho con vì quấy khóc quá nhiều và không chịu hợp tác cùng cô.
Trường hợp như tôi trải qua có lẽ không nhiều. Bởi tôi biết, có vô vàn các thầy cô giáo bao thế hệ, hàng ngày, hàng giờ âm thầm chịu rất nhiều vất vả, rất nhiều hy sinh chỉ vì yêu nghề dạy học, yêu con trẻ. Nhưng, thực tế, vẫn còn đâu đó một số thầy cô non yếu nghiệp vụ, dù không dùng đòn roi quát mắng nhưng lại sử dụng những hình phạt tinh thần còn đáng sợ hơn đòn roi rất nhiều lần.
Kỷ luật không nước mắt là cách giáo dục nói không với bạo lực |
2. Mới đây, tôi được nghe một buổi thuyết trình mang tên “Kỷ luật không nước mắt” của thạc sĩ tốt nghiệp tại Mỹ Trần Thị Ái Liên. Rất nhiều bà mẹ, trong đó có cả những người làm công tác giáo dục trong buổi thuyết giảng đã giật mình bởi những dẫn chứng thuyết phục của việc dùng hình thức nạt nộ, đánh đập không hề giúp trẻ cư xử đúng hơn.
Ngược lại, điều đó còn “dạy” cho trẻ biết cách né tránh, chạy tội, cách để không bị người lớn phát hiện khi mắc lỗi. Đặc biệt đáng lo ngại là những ảnh hưởng to lớn đến tâm hồn, nhân cách trẻ thơ, bởi các em dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do bị phạt.
Do đó, nguyên tắc đầu tiên cũng là nguyên tắc quan trọng nhất của kỷ luật không nước mắt là cách giáo dục nói không với bạo lực, kể cả thể xác và tinh thần; Đi cùng với nó là sự rèn luyện trong giới hạn và sự kiên trì chứ không phải sự chiều chuộng. Hãy để cho trẻ hiểu, bản thân trẻ luôn tốt, chỉ có hành động là xấu.
Bởi thế, thực sự vui mừng khi năm học này, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp các em cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Một quy định thực sự vì người học và nhân văn, nhưng lại đòi hỏi cao hơn đối với giáo viên không chỉ về trình độ chuyên môn mà còn cả nghệ thuật sư phạm. Một số giáo viên bày tỏ: Làm giáo viên thời nay thật khó quá, đánh mắng học sinh không được là một lẽ, nay chê trách cũng không được nốt, chỉ được làm một điều duy nhất là khen. Mà khen cho đúng, cho trúng cũng không phải điều đơn giản.
3. Tâm sự của một chuyên viên phòng GD&ĐT, ngày nay, nhiều giáo viên thể hiện lời khen một cách máy móc, những lời khen chung chung, lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày không những chẳng có tác dụng động viên, khích lệ mà còn dần dần mất đi giá trị, khiến học sinh không quan tâm đến nữa.
Vị này cho rằng, sẽ thật tốt nếu các thầy, các cô làm một việc đơn giản như là thay đổi cấu trúc lời khen, sáng tạo trong hình thức nhận xét, tránh những kết luận rập khuôn cứng nhắc, bởi một lời khen ngẫu hứng và dễ dãi có tai hại không kém những lời chê bai.
Cũng theo chuyên viên này, các cô không chê, nhưng nếu vô tình để vở một học sinh trang nào cũng đầy những mực đỏ sửa lỗi; hoặc những lời nhận xét rất chung chung, chẳng hạn như “Em cần cố gắng hơn nữa” cũng sẽ khiến học sinh bối rối, bất an, chán nản, tác hại chẳng khác nào một lời chê trách.
Cùng với khen - chê là chuyện thưởng - phạt. Để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là một ngày vui, nhiều người cho rằng, hãy tập trung vào thưởng, đừng tập trung vào phạt. Nếu muốn nhắc nhở những học sinh không học bài, mất trật tự, thay bằng phạt các em này hãy thưởng những em học hành chăm chỉ và ý thức học tập tốt.
Những em không được thưởng khi đó cũng sẽ cảm thấy như mình bị phạt vậy. Cách giáo dục đó chắc chắn sẽ không có nước mắt nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Nếu thực sự có nhiều phần thưởng khích lệ tinh thần học sinh, tôi tin rằng, đó sẽ là sự động viên, định hướng nhân cách học sinh tuyệt vời để các em có thể trưởng thành cả về trí tuệ và nhân cách – trưởng thành trong một môi trường giáo dục không nước mắt.
Tôi rất nhớ chia sẻ của thạc sỹ Trần Thị Ái Liên: Từ năm 1997, cuốn sách của một tác giả người Mỹ có tên “Trí tuệ và cảm xúc” ra đời đã làm hệ thống giáo dục của Mỹ thay đổi rất nhiều. Thay vì trước đây, nước này chỉ thưởng cho những học sinh giỏi Toán, giỏi Văn, viết chữ đẹp..., họ có thêm những phần thưởng rất “lạ”: phần thưởng yêu thương, phần thưởng tôn trọng, phần thưởng tha thứ, phần thưởng giúp đỡ... Ví dụ, khi học sinh có những hành động giúp đỡ bạn bè, có thể chỉ đơn giản là chia sẻ một phần thức ăn của mình, cô giáo sẽ quan sát và sẽ có phần thưởng xứng đáng cho hành động đó. |
Tuệ Minh