Sở dĩ người ta đặt cho nó cái tên rau hôi cũng bởi mùi hôi nồng mà dù có đứng cách xa cả mấy mét vẫn dễ phát hiện ra.
Những mớ rau hôi được hái về từ đồi từng vào đúng mùa rất là tươi non, hấp dẫn với những ai đã quen miệng, quen mùi...
Từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm cây rau hôi ở Tuyên Quang cho nhiều lá non và ngon nhất, lúc này bà con vùng cao rủ nhau vào rừng để tìm hái thứ “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng.
Nấu canh, xào (trứng, thịt bò...) hoặc làm nộm là cách mà người dân nơi đây thường dùng để chế biến rau hôi. Với phong cách nấu nướng không quá cầu kỳ, người dân vùng cao thường kết hợp rau hôi cùng thịt trâu, thịt lợn hoặc mớ cá tươi mới bắt từ suối về.
Cũng có khi chỉ cần ít mỡ hành phi thơm rồi cho nắm rau hôi xanh mướt ấy vào xào nhanh tay là cũng khiến bữa ăn trở nên hấp dẫn lạ thường. Cái vị ngai ngái, ngầy ngậy cộng thêm chút hương nồng cứ vương vấn nơi cổ họng, đủ để khiến bất kỳ ai yêu thích các đặc sản vùng cao phải ứa nước miếng thòm thèm.
Nhiều người thường ví rau hôi với quả sầu riêng. Mùi hôi nồng của chúng khiến những ai lần đầu thưởng thức đều thấy sợ và khó chịu nhưng khi đã ăn quen thì nó lại dễ gây nghiện, khiến ta nhớ mãi.
Theo kinh nghiệm của người dân vùng cao, rau hôi sau khi được hái khỏi cây thì mùi hôi, độ giòn sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, nếu muốn giữ trọn mùi vị đặc trưng của loại rau này thì nên chế biến ngay, có như vậy mới cảm nhận rõ vị ngọt bùi tự nhiên và mùi hôi nồng lan tỏa trong hơi thở.