Robert Rubin
Trước khi được giao phó trọng trách này, ông đã làm việc 26 năm với Goldman Sachs, từ khi là một thành viên và sau này là Chủ tịch HĐQT. Nhiều người cho rằng tên của Robert Rubin là một trong những cái tên gắn liền với sự sụp đổ của nền tài chính Mỹ năm 2008 – sự kiện làm chao đảo kinh tế thế giới.
Rubin đã khéo léo tìm đường đến vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời Bill Clinton và trở thành người mở đầu cho “thời đại bãi bỏ quy định” trong lịch sử nước Mỹ. Những việc mà Rubin đã làm mang lại nhiều hậu quả, trong đó việc kết thúc Luật Glass-Steagall đã cho phép các ngân hàng “đánh bạc” trong các thị trường chứng khoán vốn “đỏng đảnh” bằng tiền của những người đóng thuế.
Những hành động này đã tạo nên những ưu thế đặc biệt cho CitiGroup và hai ngân hàng “quá lớn để có thể thua” cùng các cơ quan tài chính khác.
Vị trí cao nhất của ông trong thời kỳ sau khi làm việc cho chính phủ là vai trò Giám đốc và Cố vấn trưởng của CitiGroup. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2007, ông trở thành Chủ tịch lâm thời của CitiGroup. Ngày 9/1/2009, ông nộp đơn từ chức. Trong thời kỳ làm việc với CitiGroup, Rubin đã bỏ túi 120 triệu USD, trong khi ngân hàng này chồng chất những vụ đầu tư tệ hại, và cuối cùng phải xin gói giải cứu 45 tỷ USD từ chính phủ Mỹ.
Sinh tại New York, Rubin chuyển tới Miami Beach, Florida, từ khi còn nhỏ. Cậu bé Rubin từng là thành viên của tổ chức hướng đạo sinh Boy Scout số 35, và đạt đến vị trí Đại bàng. Rubin tốt nghiệp khoa kinh tế Trường Cao đẳng Harvard, rồi theo học tại Trường Luật Harvard chỉ… 3 ngày, trước khi “ngao du thế giới”. Sau này, Rubin quay lại Trường Kinh tế London, và nhận thêm một bằng LL.B. tại Trường Luật Yale năm 1964.
Rubin bắt đầu sự nghiệp luật gia của mình tại Công ty Cleary, Gottlieb, Steen & Hamilton ở New York. Ông chuyển sang Goldman Sachs năm 1966 với vị trí luật sư trong phòng Trọng tài xử lý nguy cơ. Tại đây, Rubin đã chứng tỏ các kỹ năng của mình trong những vụ xử lý các đầu tư phức tạp rối rắm của công ty, và đã trở thành đối tác chung năm 1971.
Rubin tham gia Ủy ban quản lý công ty năm 1980, cùng với Jon Corzine, sau này trở thành Nghị sĩ và Thống đốc bang New Jersey. Con đường thăng tiến của Rubin tại Goldman Sachs giờ đây rộng mở. Ông lần lượt trải qua các vị trí phó chủ tịch, đồng giám đốc điều hành, rồi trở thành đồng chủ tịch và đồng đại cổ đông cùng với Stephen Friedman.
Từ ngày 25/1/1993 đến 10/1/1995, Robert Rubin trở thành trợ lý Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực chính sách kinh tế. Ở vị trí này, Rubin chính là người trực tiếp chỉ đạo Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) – cơ quan mà Bill Clinton đã tạo nên sau khi trở thành Tổng thống. NEC có nhiệm vụ giúp Nhà Trắng kết hợp với nội các chính phủ và các cơ quan lập pháp về ngân sách và thuế trong lĩnh vực thương mại quốc tế và giảm nghèo.
NEC cũng có nhiệm vụ tham gia tư vấn những kế hoạch về chính sách đối với văn phòng Tổng thống, và điều hành sự thực thi các quyết định. Giai đoạn này, Rubin được đánh giá cao. Năm 2004, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô Robert Strauss phát biểu về Rubin như sau: “Ông thực sự là người mà tôi biết rằng sẽ khiến NEC thành công. Bất kỳ ai khác đều khiến ủy ban này không thể hoạt động được”.
(Còn nữa)