Bộc lộ hạn chế, bất cập
Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày, nhìn nhận: Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2004, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản.
Nhờ đó, ngành thủy sản đã dần chuyển dịch từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, cũng như nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam (xuất khẩu thủy sản từ 2,2 tỷ USD năm 2003 tăng lên 7,16 tỷ USD năm 2016).
Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện, Luật Thủy sản 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành thủy sản Việt Nam, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế...
“Trước thực trạng đó, việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003 là hết sức cần thiết” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhiều điểm mới trong Luật sửa đổi
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Thủy sản (sửa đổi) có những điểm mới như: Quy định cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản và thay đổi thời hạn của giấy phép (Điều 51, Điều 52); Thay đổi tiêu chí cấp Giấy phép khai thác thủy sản và đăng kiểm tàu cá từ công suất máy (CV) sang tổng dung tích (GT) và chiều dài lớn nhất của tàu (Điều 67); Xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá (Điều 68, Điều 69); Quy định quản lý đối với sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản không dùng làm thực phẩm (Điều 39); Quy định về Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư cấp tỉnh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển (Điều 91)...
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho biết: “Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc đổi mới trong việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản và thống nhất khai thác thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý và bền vững. Thời hạn của giấy phép 60 tháng như quy định trong dự thảo Luật (điểm a Khoản 2 Điều 51) là phù hợp với thời hạn điều tra, đánh giá và công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản”.
Báo cáo thẩm tra cũng đã cho ý kiến về quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hiện có tới 3 loại ý kiến về đề xuất này. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị không thành lập Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng; Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thành lập Quỹ Trung ương và Quỹ cấp tỉnh như dự thảo Luật để có hệ thống quỹ đồng bộ từ trên xuống dưới, tiếp nhận được đầy đủ và triển khai nguồn lực tài chính hỗ trợ cho phát triển nguồn lợi thủy sản; Loại ý kiến thứ ba, đề nghị thành lập Quỹ Trung ương và khuyến khích phát triển Quỹ cộng đồng, không thành lập Quỹ cấp tỉnh.