Nhiều người đang trông chờ xem có một kỳ tích nào xảy ra tại phiên tòa giám đốc thẩm đối với kỳ án của tử tù Hồ Duy Hải – người hơn 12 năm mang án tử trên mình.
Hơn 12 năm mang án tử
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao. Ngoài ra TAND tối cao còn mời luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TPHCM, tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải tại phiên giám đốc thẩm.
Theo diễn tiến của vụ án, Hồ Duy Hải là một “tử tù” đặc biệt với những tuyệt vọng rồi hy vọng. Tính từ thời điểm xảy ra vụ án (14/1/2008) đến nay đã hơn 12 năm. Theo hồ sơ vụ án, sáng ngày 14/1/2008, công an phát hiện hai nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân là nhân viên Bưu cục Cầu Voi (tỉnh Long An) bị giết tại nơi làm việc. Hồ Duy Hải bị bắt và bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản.
Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ngày 24/5/2011, Chánh án TAND tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm; ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau đó, ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Đến ngày 4/12/2014, mẹ ruột của Hồ Duy Hải nhận được thông tin sẽ thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014. Bất ngờ, trong ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không, theo đơn kêu oan của mẹ “tử tù” Hồ Duy Hải cùng luật sư hỗ trợ pháp lý cho “tử tù” này. Và ngày 4/12/2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Và ngày 23/7/2018, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm, cách giải quyết cụ thể để xử lý dứt điểm vụ án.
Tháng 11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã kháng nghị, đề nghị TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã kết án tử hình bị cáo Hải để điều tra lại.
Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Đây được xem là phiên xử đặc biệt đối với “tử tù” Hồ Duy Hải. Bởi phiên xử giám đốc thẩm do chính Chánh án TAND tối cao chủ tọa, và luật sư hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải cũng được HĐTP TAND tối cao mời tham gia phiên xử giám đốc thẩm. Đồng thời, HĐTP mời các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An tham gia phiên tòa.
Việc mời luật sư hỗ trợ pháp lý cho bị án tham gia phiên xử được cho là hi hữu. Và theo Điều 383 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015): “Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”.
Phiên tòa đặc biệt?
Nhiều người đang trông chờ xem có một kỳ tích nào xảy ra tại phiên tòa giám đốc thẩm đối với kỳ án của tử tù Hồ Duy Hải – người hơn 12 năm mang án tử trên mình. Theo Điều 387 của BLTTHS 2015 quy định về phạm vi giám đốc thẩm, thì Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.
Riêng về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm Điều 388 BLTTHS 2015 quy định sáu khả năng có thể xảy ra. Cụ thể, hội đồng có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc tòa phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Ngoài ra hội đồng còn có các quyền: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Đồng thời, theo Điều 404 BLTTHS 2015, nếu có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà hội đồng không biết được, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị, chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp, để xem xét lại quyết định đó.
Điều 405 BLTTHS 2015 cũng quy định viện trưởng VKSND tối cao phải tham dự phiên họp này để xem xét kiến nghị của mình, của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoặc đề nghị của chánh án TAND tối cao.
Đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được mời tham dự phiên họp này, để xem xét kiến nghị của Ủy ban Tư pháp. Nếu xét thấy cần thiết, TAND tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.
Thời hạn mở phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao theo Điều 410 BLTTHS 2015 là bốn tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình.
BLTTHS 2015 cũng quy định, sau khi kết thúc phiên họp, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao gửi văn bản thông báo kết quả về việc nhất trí hoặc không nhất trí (nêu rõ lý do) kiến nghị, đề nghị cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng VKSND tối cao.
Nếu không nhất trí kết quả xem xét kiến nghị, đề nghị của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng VKSND tối cao, chánh án TAND tối cao có quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Như vậy, sau hơn 12 năm mang án tử hy vọng vụ án Hồ Duy Hải sẽ đến hồi kết với những ký tích.