Kỳ 3: Những tiêu chí vàng

Kỳ 3: Những tiêu chí vàng

(GD&TĐ) - Không có một công thức, một mô hình nhất định rập khuôn cho tất cả hiệu trưởng trong công cuộc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng GD. Nhưng để đổi mới thành công, chắc chắn và tất yếu, các hiệu trưởng, ngoài việc am hiểu chuyên môn, cần phải đảm bảo được những nguyên tắc xây dựng nhà trường, chiến lược hoạt động, môi trường văn hóa, cùng những định chế cơ bản trong quản lí...  

Phải là một CEO  thực sự

Đã qua rồi cái thời quản trị nhà trường chỉ cần am tường chuyên môn, sống lâu lên lão làng. Làm tư lệnh một nhà trường đổi mới, ngoài uy tín, chuyên môn, đòi hỏi hiệu trưởng phải là một nhà quản trị giỏi. Ths Nguyễn Ngọc Chung (Trường CBQLGD TPHCM) cho rằng: Để đổi mới thành công, điều kiện tiên quyết mà người hiệu trưởng cần phải có chính là sự vững vàng, kiên định với mục tiêu đổi mới, cùng kỹ năng quản lý linh hoạt. Bởi theo ông, uy tín của người quản lý được hình thành trong quá trình tự phấn đấu và rèn luyện về phẩm chất, năng lực, qua việc thể hiện tính cách, tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Chính nhờ uy tín mà nhiều nhà quản lý đã thành công trong việc động viên mọi người thực hiện có hiệu quả các quyết định quản lý, đổi mới của mình. Vì vậy, người quản lý muốn nâng cao chất lượng sản phẩm của quá trình sáng tạo của mình -quyết định quản lý - phải nghiên cứu và nắm vững các vấn đề tác động đến hiệu quả của quyết định quản lý, phải thực sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố khoa học và yếu tố nghệ thuật trong quản lý.

Kỳ 3: Những tiêu chí vàng ảnh 1
Để vực giáo dục vùng khó phát triển mạnh mẽ rất cần những người “thủ lĩnh” giỏi

NGƯT Nguyễn Bác Dụng -Nguyên hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) cho rằng: đổi mới quản lý GD không chỉ đổi mới cách làm việc của Ban giám hiệu mà còn đổi mới từ tổ trưởng chuyên môn, GV chủ nhiệm và cả từng GV bộ môn. Trong đó, cái gốc là mỗi cá nhân, mỗi bộ phận trong trường phải là một nhà GD. Người hiệu trưởng phải biết phát huy năng lực của từng GV. Hiệu trưởng phải tôn trọng ý kiến GV. Bởi theo ông,  quản lý GD không phải quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch và chiến lược. Chỉ có quản lý công việc thì làm việc mới tự giác và có hiệu quả thật sự, còn quản lý con người thì làm việc chỉ với mục đích đối phó, việc đổi mới sẽ khó có hiệu quả. Trong hằng hà, sa số các tiêu chí cần phải có của người quản lý, tính sáng tạo, sự quyết liệt trong đổi mới của người hiệu trưởng được thể hiện qua vai trò lãnh đạo, hoạch định về chiến lược, tầm nhìn của nhà trường. Người lãnh đạo không chỉ làm đúng, làm tròn kế hoạch mà cần có chiến lược và sáng tạo riêng. Đặc biệt, phải có tham vọng khai mở tiềm thức con người chứ không bằng lòng với những gì mình đã làm hoặc đã có. Người lãnh đạo tìm ra cơ chế quản lý để phát huy mọi khả năng của từng cá nhân, các bộ phận. Sự tương tác đó sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển nhà trường theo chiều hướng đi lên.

Góp chung kiến giải về giải pháp cần phải có để đổi công cuộc mới quản lý thành công, ThS Đỗ Thiết Thạch (Trường CBQLGD TPHCM) cho rằng: Điều mà những nhà quản lý GD (hiệu trưởng) ở cơ sở cần nhất hiện nay là một hệ thống các quy định cụ thể, minh bạch để họ biết quyền và nghĩa vụ của mình đến đâu. Đặc biệt, các hiệu trưởng cần được tự quyết những vấn để nảy sinh trong thực tiễn quản lý của mình. Nếu cái gì cũng phải để cơ quan quản lý GD cấp trên “cầm tay chỉ việc” thì làm sao người hiệu trưởng có thể đưa ra những quyết định phù hợp yêu cầu thực tiễn nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày để mà đổi mới.

Những tố chất của hiệu trưởng thành công

Để đổi mới thành công, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD là điều không thể thiếu và xem nhẹ. Bởi một ngôi trường khi có được một đội ngũ CBQL, nhà giáo tốt sẽ tác động rất lớn đến quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, giúp các em học tập tự tin và đạt kết quả cao. Vai trò của người hiệu trưởng là cực kỳ quan trọng. Người hiệu trưởng không những cần có những quyết định đúng đắn trong quản lý các hoạt động của nhà trường, có tầm nhìn xa, sâu và rộng đối với yêu cầu phát triển sự nghiệp GD của địa phương, mà còn phải tạo được môi trường GD đầy tính phấn đấu, dân chủ và mang tính thi đua. Người quản lý ấy phải là người “thấy việc sai dám sửa, thấy việc xấu dám ngăn, thấy việc hỏng dám cứu”. Sự tương tác ấy không chỉ giúp bộ máy đoàn kết, mà hiệu ứng đổi mới cũng sẽ phát huy cao độ.

Tránh kiểu quản lí theo mệnh lệnh
Tránh kiểu quản lí theo mệnh lệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Tế - Hiệu trưởng Trường CBQLGD (TPHCM) để hiệu trưởng thật sự là một “tư lệch” trong công cuộc đổi mới, người cán bộ quản lý GD cần hội đủ 3 yếu tố: Người có tâm và là tấm gương sáng cho tập thể CB-GV nhà trường soi vào. Người có bản lĩnh và được trang bị những kiến thức sâu rộng về công tác quản lý. Cuối cùng, người hiệu trưởng ấy phải là người có những trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm thực tế (ở các cơ sở GD tiên tiến). Bên cạnh những điều kiện cần ấy, người “tư lệnh” trường cũng cần một cơ chế tự chủ hoàn toàn để thực hiện những ý tưởng, những hoài bão thay đổi của mình. Tất nhiên, việc tự chủ ấy vẫn phải theo nguyên tắc và có lộ trình cụ thể. Đổi mới quản lý GD thực chất là đổi mới con người và cung cách làm quản lý GD theo hướng hiện đại, tránh lối mòn của cơ chế bao cấp, tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng cũng tránh rập khuôn máy móc. Do đó, muốn đổi mới thành công, không cách nào khác là ngành GD cần tạo cơ chế mở”, để người cán bộ quản lý GD có tính “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Song, việc giao quyền phải tránh được sự lợi dụng cơ chế “mở” để chuyên quyền, độc đoán. Muốn như vậy, phải tăng cường tính dân chủ tại mỗi cơ sở GD, tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng trường, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, ủy Đảng cơ sở và địa phương. Đặc biệt, người “tư lệnh” trường ấy phải không ngừng yêu cầu, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho tất cả CB-GV nhà trường trước những đòi hỏi và thách thức ngày càng cao của xã hội.

Ngoài những tiêu chí cần trong quá trình đổi mới mà một “tư lệnh” trường phổ thông phải có, nhiều cán bộ quản lý cho rằng: Muốn đổi mới thành công, người hiệu trưởng nhất định phải có phẩm chất quan trọng: khả năng tập trung vào sự đổi mới. Trong đó, người hiệu trưởng phải xác định chính xác mục tiêu phải hoàn thành. Hai là, người “tư lệnh” ấy cần phải quyết tâm thực hiện việc đổi mới mạnh mẽ, không chấp nhận nhà trường của mình bị giam hãm, mà luôn tìm cách thay đổi nhà trường. Ba là, người hiệu trưởng phải giúp CB - GV nhìn thấy nhu cầu cần phải đổi mới. Nếu không nhận thức về điều này đổi mới sẽ không hiệu quả. Đặc biệt nhất là yếu tố tự đánh giá bản thân. Song song đó, người hiệu trưởng phải thật sự biết cách yêu thích công việc, say mê đổi mới. Cuối cùng, điều mà quá trình đổi mới (thành công) đòi hỏi chính là việc người hiệu trưởng phải là hình mẫu cho những người khác, tạo dựng được sự thích thú và nhiệt tình trong mọi việc để từ đó gây ảnh hưởng đến người khác và khiến họ nhiệt tình làm việc theo mình.

NGƯT Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Bình Thạnh, TPHCM) cũng cho rằng: Người hiệu trưởng cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của nhà trường. Muốn đạt được những yêu cầu đổi mới trong nhà trường, người hiệu trưởng cần phải có năng lực, trình độ, có quyết tâm, bản lĩnh, năng động, sáng tạo… nghĩa là đòi hỏi ở người hiệu trưởng phải có tâm và có tầm. Nắm được 4 yếu tố chính trong nhà trường: Đó là hiểu “văn hóa” nhà trường. Xây dựng được chiến lược phát triển. Phát triển tốt đội ngũ và đảm bảo tính dân chủ công bằng.

Khi quản lí một trường học, cần có thời gian để vận hành lại một bộ máy vốn đã quen với cách làm bao nhiêu năm. Tuy nhiên, để bắt đầu đổi mới thì hiệu trưởng có những vấn đề cần phải bắt tay làm ngay. Cần phải quyết tâm làm sao để mọi người thấy được lợi ích của việc đổi mới. Để đưa một trường chất lượng thấp đi lên, đầu tiên phải có cách làm việc khoa học hơn, hợp lý hơn, sắp xếp điều hành công việc theo hướng ứng dụng CNTT. Làm sao GV ít mất thời gian vào những việc không đáng để tập trung giảng dạy. Đặc biệt là cải tiến các cuộc hội họp, phải dành thời gian cho GV làm tốt chuyên môn…

Trường chất lượng còn thấp nên chúng tôi rất chú trọng GD HS cá biệt. Theo đó những HS cá biệt (cá biệt về hoàn cảnh, cá biệt học tập, cá biệt hạnh kiểm) nên mỗi thầy cô giáo cố gắng giúp một em HS vươn lên. Nếu GV biết HS khó khăn, HS cá biệt thì BGH sẵn sàng đồng hành cùng GVCN, GV bộ môn để tìm cách giúp đỡ HS.

Hiệu trưởng không phải quản lý bằng mệnh lệnh mà phải làm tốt quản lý về mặt con người và mặt chuyên môn. Đặc biệt tránh quản lý theo kiểu mệnh lệnh, tạo không khí căng thẳng trong nội bộ. Đổi mới quản lý để làm sao tạo điều kiện cho GV và HS phát huy hết thế mạnh để giảm bớt những điểm yếu, hạn chế. Tuy nhiên trong đổi mới quản lý hiện nay vấn đề đặt ra là ứng dụng CNTT trong quản lý vẫn còn bỏ ngỏ. Thứ hai là chưa có sự đổi mới một cách thống nhất giữa các cấp trong hệ thống GD. Thứ ba là một hiệu trưởng vẫn chưa được tự chủ về mặt con người, không thể sàn lọc được đội ngũ…

Nhà giáo Võ Đức Chỉnh – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ)

Anh Tú - Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ