Kỳ 2: Cần sự giúp sức ngoài ngành Giáo dục

GD&TĐ - Việc tạo điều kiện cho HS phổ thông tiếp cận thực tiễn nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) ở doanh nghiệp, trường ĐH… có thể giúp nảy sinh những ý tưởng thú vị phù hợp với khả năng của các em. Tuy nhiên, việc phát triển hoạt động nghiên cứu KHKT cho HS phổ thông vẫn rất khó khăn, thiếu sự hỗ trợ cần thiết của những lực lượng ngoài ngành GD.

Những thiết bị thí nghiệm không thể có ở một trường phổ thông mà các HS nghiên cứu KHKT dùng “nhờ” của trường ĐH
Những thiết bị thí nghiệm không thể có ở một trường phổ thông mà các HS nghiên cứu KHKT dùng “nhờ” của trường ĐH

Một khía cạnh xã hội hóa giáo dục chưa được coi trọng

Cần có “đất diễn” cho những HS có đam mê KHKT bộc lộ khả năng. Tuy nhiên, theo cô Đỗ Thị Diệu Thúy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hạ Long), khó khăn nhất hiện nay trong việc khuyến khích HS tham gia tìm hiểu, nghiên cứu KHKT chính là quỹ thời gian và việc tư vấn cho HS.

“Tư vấn về KHKT đòi hỏi kiến thức rất sâu, chuyên ngành, các GV trong trường phổ thông không đủ cả thời gian và kiến thức chuyên sâu để trực tiếp hướng dẫn HS tìm hiểu về một dự án cụ thể, hay tìm hiểu chuyên sâu vào một chuyên ngành. Bởi vậy, đôi khi giữa mong muốn và thực hiện không gặp nhau”, cô Diệu Thúy phân tích.

Để HS có “đất” cho hoạt động nghiên cứu KHKT, cô Diệu Thúy chia sẻ, Trường THPT chuyên Hạ Long thời gian gần đây đã có những cam kết hợp tác, liên kết với Trường ĐH Hạ Long, ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT… của tỉnh. Bởi, chính những đơn vị, cơ quan và doanh nghiệp mới có thể thực hiện mong muốn của nhà trường là giúp HS tham gia tìm hiểu và nghiên cứu thực tiễn KHKT ở ngay chính địa phương. Đây là khía cạnh xã hội hóa GD lâu nay chưa được coi trọng, chưa có sự liên kết giữa nhà trường phổ thông - doanh nghiệp và xã hội.

Đặc biệt, với trường phổ thông công lập, kinh phí dành cho việc HS nghiên cứu KHKT vượt khả năng của nhà trường. Ngay một chuyện như thuê xe ô tô để đưa HS đi thực địa tại cơ sở, tìm hiểu thực tế ứng dụng KHKT, cũng còn khó. Kinh phí cho chi thường xuyên ở trường phổ thông có hạn mức nhất định.

Mới đây, hai HS của Trường THPT chuyên Hạ Long vừa đoạt giải thưởng quốc tế về nghiên cứu KHKT đã thực nghiệm hoàn toàn tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Hạ Long, vì trường THPT không đủ điều kiện hỗ trợ HS.

HS thể hiện niềm đam mê nghiên cứu KHKT khi được tiếp xúc với một dự án thật, với sự hướng dẫn của các chuyên gia
  • HS thể hiện niềm đam mê nghiên cứu KHKT khi được tiếp xúc với một dự án thật, với sự hướng dẫn của các chuyên gia

Tháo gỡ theo hướng nào?

“Việc liên kết giữa trường phổ thông với các cơ quan, doanh nghiệp chính là giải pháp giúp HS gắn kiến thức học trong sách vở với thực tiễn. Sự hỗ trợ từ liên kết này là điều các trường phổ thông đang rất cần” - cô Diệu Thúy chia sẻ - “Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng đã tổ chức hội thảo bàn về sự liên kết giữa các trường THPT với các trường ĐH trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học đến các lĩnh vực khác. Hội thảo là cơ hội để các trường phổ thông tìm kiếm cam kết, gắn kết với các trường ĐH, qua đó lãnh đạo trường phổ thông được dịp gặp gỡ lãnh đạo các trường ĐH, cùng bàn về việc tăng cường trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong cả công tác đào tạo SV và nội dung nghiên cứu KHKT của HS”.

Sau mỗi một “project” (dự án) KHKT, HS sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Vì trong thực hiện project HS được làm việc nhóm; chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu thật; đi tìm hiểu, thu thập thông tin; rèn luyện khả năng thuyết trình, tìm tư vấn từ các chuyên gia, GV trong và ngoài trường. HS qua rèn luyện nghiên cứu KHKT sẽ trưởng thành hơn rất nhiều, bởi được chủ động trong các hoạt động nghiên cứu KHKT. Theo tôi, khích lệ HS nghiên cứu KHKT là một cách rất tốt giúp HS phát triển toàn diện.

 

 Cô Đỗ Thị Diệu Thúy

Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hạ Long

Lâu nay trong và ngoài ngành GD vẫn nói nhiều đến sự hợp tác, liên kết giữa trường ĐH với doanh nghiệp. Song dường như sự hợp tác, gắn kết tương tự vẫn bỏ trống ở các trường phổ thông, trong vấn đề hỗ trợ HS tìm hiểu, nghiên cứu KHKT. “Các trường THPT nếu có được sự gắn kết ấy cũng chỉ mới thực hiện được ở mức độ: Các buổi trải nghiệm của HS tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp…

Nhà trường liên hệ với doanh nghiệp cho HS có cơ hội tiếp cận thực tế, từ đó hy vọng mới nhen nhóm những ý tưởng sáng tạo và nghiên cứu KHKT trong HS” - cô Diệu Thúy cho biết - “Vừa rồi trường tôi cho HS đến thực tế tại một mỏ than, nhà trường có văn bản đề nghị với doanh nghiệp, nhưng những việc như vậy chưa có quy định cụ thể, nên thực hiện cũng không dễ dàng. Nếu ngành GD có một văn bản đề nghị các ngành, doanh nghiệp… tạo điều kiện cho trường phổ thông triển khai hoạt động tìm hiểu thực tế của HS, để học đi đôi với hành, thì hoạt động này sẽ đỡ khó khăn cho trường phổ thông trong liên hệ, đề xuất với cơ quan, doanh nghiệp”.

Cô Diệu Thúy cho rằng, hiện nay vẫn tồn tại tâm lý cho rằng HS phổ thông còn nhỏ tuổi, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị ngoài ngành GD chưa nhìn thấy “lợi ích” của việc hợp tác với trường phổ thông. “Nếu liên ngành có văn bản cụ thể về vấn đề này, sẽ là cơ hội “mở” cho các trường phổ thông trong việc hợp tác với lực lượng xã hội ngoài GD, để thực hiện đổi mới hoạt động GD trong trường phổ thông nói chung và hoạt động nghiên cứu KHKT của HS phổ thông nói riêng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.