(GD&TĐ) - Để làm tốt một luận văn hay khóa luận tốt nghiệp “ra ngô, ra khoai” thường đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và trí tuệ của sinh viên (SV). Bởi luận văn hay khóa luận tốt nghiệp không chỉ là phương thức đánh giá cả một quá trình học tập của SV, mà còn là một “dấu đỏ” đóng lên trên mảnh bằng ĐH. Ấy thế mà với nhiều SV, chuyện làm luận văn hay khóa luận tốt nghiệp cũng đơn giản như thi kết thúc một học phần. Đơn giản vì dịch vụ nhận viết luận văn thuê luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một cuộc điện thoại.
->> Kỳ 2: "Sống tử tế, học đàng hoàng"
Khi sinh viên lười
Những chuyện sinh viên X, Y chẳng phải bỏ tí công sức, thời gian tìm tòi nghiên cứu vẫn đạt điểm 8, điểm 9 trong kỳ bảo vệ luận văn đề án tốt nghiệp không là những câu chuyện hiếm hoi. Hiện tượng sao chép, “vay mượn tri thức” khi làm khóa luận luận văn tốt nghiệp đã và đang ở mức báo động.
Nhiều người cho rằng thực trạng nhức nhối này không chỉ đến từ sự lười biếng của SV, mà lỗi còn thuộc về giảng viên và nhà trường. Tuy nhiên, GS Đào Văn Lượng -Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP HCM cho rằng: Việc trách giảng viên, quy trách nhiệm cho nhà trường cũng có phần oan cho họ. Tr.C.H - Cựu SV trường ĐH Văn Lang - cho biết: để phát hiện một khóa luận hay luận văn tốt nghiệp của SV có “xào nấu” hay không không phải điều đơn giản. “Thầy cô giáo dù có là người giỏi về lĩnh vực chuyên môn đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể nhớ hết nổi những cấu trúc, bố cục của các khóa luận, luận văn mà mình đã từng xem và thẩm định. Với núi công việc ngồn ngộn của một GV hiện nay, việc thẩm định một khóa luận, luận văn có bị “vay mượn” hay không chẳng khác gì việc hái sao trên trời” - anh này nói.
“Lò sản xuất” luận văn lậu bị lực lượng chức năng phát hiện Ảnh: Thanh Tùng |
Qua điều tra thực tế, để tìm tư liệu cho đề tài và khóa luận, SV có rất nhiều kênh. Ngoài kho tư liệu hiện có tại thư viện các trường ĐH, SV còn có thể dễ dàng tìm thấy nguồn tư liệu khổng lồ khóa luận, luận văn tốt nghiệp ở đủ mọi lĩnh vực, chuyên ngành trên các trang web như: tulieu.vn, thuvienluan.com, triuefile.vn, kilobooks.com, luanvan.net.vn… Chính sự vượt trội và mang tính tương tác cao của khoa học công nghệ là tiện ích cho SV thực học nhưng cũng đã góp phần tạo nên thói quen lười biếng của SV.
Khảo sát về hiện tượng “đạo văn” trong sinh viên qua đề tài “Vấn đề đạo văn trong SV trường ĐH Kinh tế TP HCM và hướng giải pháp” của nhóm QT 789 trường ĐH Kinh tế TP HCM cho thấy: Có đến 58% bạn SV cho rằng đó là chuyện bình thường và 42% cho rằng đó là điều không tốt. Điều đó cho thấy, “đạo văn” đang dần trở thành thói quen của phần lớn các SV. Trong đó, tỉ lệ SV đã từng “đạo văn” đạt con số 75%, cùng 58% các bạn SV chưa rõ khái niệm “đạo văn” là như thế nào. |
Với một SV “lười” hiện nay, khi thực hiện khóa luận hay luận văn tốt nghiệp họ chỉ đơn giản làm động tác: Lên các website chuyên cung cấp khóa luận hoặc các kho tài nguyên để mua, tham khảo rồi thực hiện công đoạn lắp ghép. Họ nhặt nhạnh ở mỗi luận văn một phần, thêm mắm thêm muối cho đầy đủ. Những khóa luận có số liệu đã cũ do làm từ những năm trước thì được thay vào những số liệu mới lấy ra từ báo chí thế là xong. Nguyên nhân, theo các SV giải thích là do số học trình được tính cho mỗi đồ án không tương xứng với công sức bỏ ra khi làm đồ án tốt nghiệp. Điểm số có được nhiều khi không thể kéo được xếp hạng đánh giá toàn năm. Chính điều này khiến nhiều SV khi ước lượng được điểm số của mình đã làm khóa luận cho có.
PGS.TS Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cho rằng: Việc SV lười biếng là có, tuy số lượng không nhiều. Nhưng chính cơ chế còn thoáng trong việc xét và đánh giá một khóa luận, luận văn tốt nghiệp của SV như hiện nay (nhiều GV nghĩ đơn giản chấm khóa luận giống như chấm một bài thi của SV) đã dẫn đến hiện tượng trên.
“Chợ” luận văn công khai?
Để tìm đến các “chợ” luận văn trên mạng, hay các cá nhân nhận viết luận văn thuê hiện nay còn dễ hơn việc tìm mua một quyển sách hay. Không chỉ đăng thông tin tại các forum, diễn đàn về học thuật hay những trang mạng rao vặt, mua bán với những lời lẽ giới thiệu rất kêu, nhiều cá nhân, nhóm người chuyên sống bằng nghề “mua bán” tri thức còn lập hẳn website chào mời SV, học viên cao học một cách công khai như: dichvubangcap.tk, thuvienluanvan, luanvanclub…
Để hiểu rõ hơn về công nghệ “mua bán” luận văn, nhận viết luận văn, khóa luận tốt nghiệp đang nở như nấm trên Internet, tôi liên hệ thử tới hàng loạt số điện thoại di động, email được đăng công khai trên các diễn đàn. Thật ngạc nhiên, tất cả những người tiếp nhận cuộc gọi “đặt hàng” chẳng một chút e dè hay tỏ vẻ gì lo sợ. Điều này cũng dễ hiểu vì họ thật ra cũng chỉ là “thợ” trong việc nấu nướng”, tổng hợp các sản phẩm tri thức thành một sản phẩm mới cho người cần. Một người nhận viết luận văn thuê tên Chính đã cho giá hàng loạt luận văn của các chuyên ngành Ngữ văn, Tâm lý với mức giá dao động từ 1,2 - 1,4 triệu đồng với lời khẳng định chắc nịch: “Anh bao “đụng” (trùng các khóa luận trước) và không được 8 điểm anh không lấy tiền. Tiền em chuyển trước một nửa, khi nào có kết quả, chuyển nốt phần còn lại cho anh”.
Việc thuê người viết khóa luận, luận văn đã dễ, việc dạo “chợ” tri thức, chọn sản phẩm theo ý mình còn dễ hơn bội phần. Một SV hay học viên cao học, muốn sở hữu một cuốn luận văn, chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản và nhắn tin, sau 10 phút, tài liệu đã nằm gọn trong email của mình. Chi phí cho từng loại văn bản đã được ghi cụ thể trên website: Luận văn thạc sĩ, luận văn cao học, đề tài nghiên cứu có giá 150.000 đồng; luận văn, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực tập, tiểu luận có giá 100.000 đồng. Nhiều web còn có “khuyến mãi” các file tài liệu tham khảo cho người mua nếu mua với số lượng nhiều. Nhộn nhịp nhất và được nhiều cử nhân “tương lai gần” - “chọn mặt gửi vàng” hiện nay có thể kể đến các web như: luanvanclub.com, AMBN.vn và dichvubangcap.tk.
Để có được nguồn dữ liệu đồ sộ như vậy, những người buôn bán ở “chợ” luận văn cũng phải đi thu thập từ các diễn đàn, đặc biệt là các cửa hàng photocopy cạnh các trường ĐH, bởi hầu hết sinh viên bắt buộc phải mang tài liệu đi in ở các cửa hàng photocopy. Mặc dù không hề muốn công sức của mình bị đánh cắp một cách dễ dàng như vậy, nhưng vì phần lớn các chủ tiệm photocopy đã có sự “đặt hàng” từ trước của những người buôn bán luận văn nên họ dễ dàng lưu lại một bản trước khi in cho khách. Khi số lượng các khóa luận tốt nghiệp, luận văn được lưu trữ tương đối nhiều, chủ tiệm chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người đến tận nơi lấy và giao tiền.
GS Đào Văn Lượng cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, theo GS, chính nhận thức, quan điểm, thái độ học tập của người học không nghiêm túc là nguyên nhân chính. Với yêu cầu không quá gắt gao (chỉ đề tài nghiên cứu sinh TS mới phải công bố và không được trùng đề tài) còn lại các khóa luận, luận văn tốt nghiệp cho phép SV được tìm nguồn tài liệu tham khảo (phải trích dẫn nguồn cụ thể) nên dễ dẫn đến hiện tượng “vay mượn”. Mặt khác, quy chế hướng dẫn làm khóa luận, luận văn và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế của GV hướng dẫn, cán bộ quản lý giáo dục nhiều trường vẫn chưa nghiêm túc, chặt chẽ cũng dẫn đến hiện SV “sao chép” tri thức để báo cáo lừa GV.
Internet là... “nguồn gốc của mọi tội lỗi”(!) Nếu như ở Việt Nam điểm số và sự đậu rớt của mỗi sinh viên phụ thuộc phần lớn vào thi cử kiểm tra trên lớp thì ở nước ngoài các luận văn, tiểu luận, nghiên cứu (research) làm tại nhà lại đóng vai trò quyết định. Các giáo sư cho rằng muốn biết rõ khả năng của một sinh viên không gì chính xác bằng đọc bài viết của sinh viên đó. Nhưng muốn viết được một bài luận, bài nghiên cứu tốt thì phải đọc rất nhiều tài liệu. Nếu bạn chép tài liệu mà không nêu rõ nguồn gốc, bạn tải về một bài viết nào đó từ Internet và đem nộp thì tức là bạn đã đạo văn và tội này có thể bị cảnh cáo hoặc đuổi học. Vậy thì tại sao vẫn có rất nhiều sinh viên “chấp nhận rủi ro” để gian lận trong học tập như vậy? Sinh viên đổ lỗi cho hàng núi bài tập. Trong khi đó, các nhà giáo dục lại cho rằng... Internet là nguồn gốc của tội lỗi. Vì sao vậy? Internet là kho thông tin khổng lồ. “Quyến rũ” hơn có những trang như 123helpme.com cung cấp luận văn miễn phí, chỉ lấy tiền những bài luận chất lượng cao mà thôi. Hay như schoolsucks.com, trang web sẽ gửi cho bạn chính xác bài viết mà bạn đang cần, với giá 30 USD, giao "hàng" trong ngày. Tinh vi hơn, nhiều sinh viên không mua bài mà copy từ website này một ít, website kia một ít rồi kết hợp thành bài của mình. Quả thật, xa lộ thông tin đã góp phần làm cho việc học chỉ đơn giản là “cắt và dán ”. Để đối phó với nạn đạo văn, hiện nay 4.000 trường ĐH tại 60 quốc gia đang sử dụng chương trình Turnitin cung cấp tại website Turnitin.com. Khi các giáo sư đưa bài của sinh viên vào Turnitin, chương trình này sẽ tự động đối chiếu bài viết với 6 tỉ trang dữ liệu có sẵn, gạch dưới hoặc tô màu tất cả những đoạn giống nhau và trả lại bài cho thầy cô trong vòng 24 giờ. 6 tỉ trang này gồm các website, các loại sách báo, tạp chí cũng như tất cả các bài viết của sinh viên đã từng được kiểm tra bằng chương trình này trước đây. (Theo Người lao động) |
Anh Tú
Kỳ 2:“Sống tử tế, học đàng hoàng”