Kon Tum: Vượt khó đến trường sau lũ

Kon Tum: Vượt khó đến trường sau lũ

Hết lòng vì học sinh thân yêu

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Sỹ Thư cho biết: Năm học mới bắt đầu, trận mưa lũ diễn ra trên diện rộng, mức độ tàn phá khủng khiếp đã làm đảo lộn tất cả. Mưa lũ không chỉ cướp đi sinh mạng của 2 giáo viên và 11 học sinh mà còn tàn phá, làm 16 phòng học bị sập hoàn toàn (13 phòng ở Trường Tiểu học Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông và 3 phòng ở Trường THCS Đăk Dục, Ngọc Hồi); 155 phòng học bị tốc mái, 16 trường học bị hư hỏng về cổng, tường rào, điện...; 594 bộ bàn ghế học sinh bị cuốn trôi và hư hỏng; 21.163 bộ sách giáo khoa và 17.236 cuốn vở học sinh bị ướt, cuốn trôi; 9 xe máy giáo viên bị trôi; 53 nhà giáo viên bị hư hỏng tài sản. Ngoài ra, các trường ở huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở bị ướt và hư hỏng nặng.

Kon Tum: Vượt khó đến trường sau lũ ảnh 1
Cô giáo phơi sách cho HS

Tại phường Lê Lợi – địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn lũ vừa qua của thành phố Kon Tum, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi vừa lật từng trang giấy, hong khô lại sổ sách vừa tâm sự: Số sách vở còn dùng được, chúng tôi gom góp lại bật quạt lên hong khô. Mặc dù đã 3 tuần rồi nhưng cũng chưa thể đưa vào sử dụng được, phải bật quạt 24/24. Trận lũ vừa qua, toàn bộ trường học bị ngập sâu 1,5m, làm đổ tường rào 110m, đường bê tông nội bộ nhà trường bị hư hỏng 280m, 2 nhà vệ sinh giáo viên, học sinh bị hư hỏng hoàn toàn.

Về cơ sở vật chất, 98 bộ bàn ghế bị hư hỏng, 5 bộ cửa chính của lớp học bị trôi, 14 tủ đồ dùng dạy học của giáo viên bị hư hỏng; 8.025 quyển sách giáo khoa các môn học từ lớp 1-5, 1.865 sách tham khảo các loại, 410 quyển sách giáo viên, 3500 cuốn sách truyện thiếu nhi ở Thư viện nhà trường bị ướt, hư hỏng... Đặc biệt, học sinh của trường học 2 buổi/ngày để sách vở lại trường nên 347 bộ sách giáo khoa của học sinh cũng bị ngập ướt và cuốn trôi. Cô Ngọc cho biết: Vì học sinh của trường còn nhỏ nên sau lũ trường cho nghỉ học và cùng với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Trường quân sự tỉnh, toàn thể cán bộ, giáo viên đã tiến hành thu dọn, phân loại, hong phơi sách vở, tài liệu; dùng vòi bơm nước, chổi, giẻ lau vệ sinh lớp học. Công việc diễn ra rất khẩn trương song do thiệt hại quá lớn nên phải mất 4 ngày mới cơ bản hoàn thành.

Cùng với việc dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả lụt bão, đội ngũ giáo viên các trường vùng lũ đã tích cực vận động học sinh đến lớp. Nhiều câu chuyện của các giáo viên hết lòng vì học sinh thân yêu đã khiến cho chúng tôi thực sự cảm động. Phòng Giáo dục thành phố Kon Tum trong những ngày này đã phát động phong trào quyên góp quần áo cũ, sách vở để giúp đỡ học sinh trở lại trường học. Qua đó, đã có nhiều bộ áo quần, bộ sách giáo khoa... đã kịp thời chuyển đến những học sinh vùng lũ. Ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu có 282 em học sinh thuộc diện chịu ảnh hưởng lụt bão, tập trung chủ yếu ở làng Kon Hra Chót, Tổ ấm Vinh Sơn 2. Sau lũ những hôm đầu một số học sinh vắng học, phần vì do phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, phần do các em bị trôi sách vở, quần áo.

Học sinh phải vừa đi học vừa cõng lương thực cứu trợ
Học sinh phải vừa đi học vừa cõng lương thực cứu trợ

Thầy Nguyễn Trọng Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: Mặc dù gia đình nhiều thầy cô giáo cũng bị ngập nước và thiệt hại tài sản song với tinh thần trách nhiệm cao sau lũ vẫn tích cực bám trường, bám lớp dọn dẹp vệ sinh, đến từng nhà học sinh thăm hỏi hoàn cảnh, vận động các em ra lớp, quyên góp quần áo cũ tặng cho các em”. Chẳng hạn như cô giáo Y Ngan, mặc dù các vật dụng trong nhà bị hư hỏng nhưng sau lũ vẫn đến từng nhà học sinh ở làng Kon Hra Chót tìm hiểu hoàn cảnh, vận động các em trở lại trường. Em A Lan, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Võ Thị Sáu tâm sự: Nhờ các thầy cô cho quần áo, sách vở nên em mới trở lại trường được. 

Học “chay” sau lũ

Khó khăn nổi cộm hiện nay ở các trường là có tới hàng nghìn học sinh bị ướt sách, vở, phần lớn không sử dụng được. Vì vậy, dù đã duy trì học tập trở lại song học sinh chủ yếu phải học “chay”, học chung sách vở. Cùng đó, nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng gây trở ngại cho việc học tập. Cô Ngọc cho biết thêm: Trường đã được Phòng Giáo dục cấp cho 347 bộ sách giáo khoa nhưng chỉ được ở 2 môn Toán – Tiếng Việt nên hiện nay các môn học khác học sinh phải học “chay”. Nhiều sổ sách, sổ ghi điểm học sinh cũng bị ướt, Trường buộc khắc phục bằng cách phơi khô để lấy tư liệu sao sang sổ mới...

Theo kế họach, từ 19/10, Trường Tiểu học Đăk Na và các trường trên địa bàn xã Ngọc Yêu mới tổ chức học trở lại bình thường. Học sinh ở 4 làng của xã Đăk Tờ Lùng (huyện Kon Rẫy) do cầu treo bị hỏng nên chỉ mới khoảng 30% đi học, còn lại phải chờ làm xong cầu tạm... Bên cạnh đó, để học sinh trở lại trường học đủ sĩ số như trước khi lũ lụt là việc khó khăn. Bởi cha mẹ các em đang lo ổn định lại nhà cửa, phải chạy ăn từng bữa nên việc lo cho con có đủ áo quần, sách vở đến trường thật khó. Và nhiều em lại trở thành lao động chính lo bữa ăn hàng ngày trong nhà.

Với bộn bề khó khăn, để việc học tập trở lại ổn định, có nền nếp, chất lượng ngoài nỗ lực của các bậc phụ huynh cũng như nhà trường, rất cần có sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước và cả cộng đồng.

Liễu Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ