(GD&TĐ) - Thống kê sơ bộ, cơn bão số 8 đã gây ra một số thiệt hại cho cây trồng, công trình thủy lợi, trường học gây sạt lở các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tính đến hết ngày 19/9, mưa lớn đã làm bồi lấp, ngập úng, sạt lở 15,9 ha lúa và 7,2 ha ngô, sắn. Các tuyến đường Tỉnh lộ 672, 673,676, 677.. bị sạt lở nhiều đoạn làm giao thông đi lại rất khó khăn và gây ách tắc và một số tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các huyện, thành phố bị lầy lội (khoảng 2,5km) và làm sạt lở khoảng 99m mặt đường, khối lượng sạt lở khoảng 4.400m3 gây khó khăn cho giao thông; lũ cuốn trôi và làm xói lở 7 cống qua đường; mố trụ và đường dẫn của 5 cầu treo bị sạt lở ; 01 ngầm bị nước cuốn trôi.
Hệ thống kênh mương các công trình thủy lợi bị bồi lấp khoảng hơn 2,6km và 2 công trình kênh, trên kênh bị sạt lở; 1 đập tạm do nhân dân đắp bị vỡ. Có 2 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng đường ống dẫn (Kon Long, xã Đăk Tờ Lùng; thôn 5 Tân Lập, huyện Kon Rẫy). 1 phòng học mái lợp ngói bị sập (trường mầm non làng Kon Nhên xã Đăk Ruồng, Kon Rẫy); Sập mái hiên 1 căn nhà (Kon Rẫy); làm gãy đỗ 01 trụ điện (tại khu vực trạm bảo tồn BaĐgóc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy);
Trường THCS xã Đăk BLô (huyện Đăk Glei) bị sạt lở kè gần đến khu dạy học trường học và đã xảy ra sự cố mất điện tại các xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên (huyện Kon Plong) từ 23h45 ngày 17/9/2013 đã được khắc phục.
Toàn tỉnh cũng đã tổ chức di dời 56 hộ dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ đất đến nơi an toàn. Ước tính ban đầu tổng thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng.
Tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chỉ đạo triển khai công tác phòng chống lụt bão và tổ chức khắc phục các thiệt hại nhỏ tại các địa phương, cử cán bộ xuống các địa bàn theo dõi, túc trực tại các điểm xung yếu sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa lũ.
Đan Tâm