Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, vào năm 2012, dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” thành phố Kon Tum được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư là hơn 2,9 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UN-ESCAP), Tổ chức Hành động về Môi trường và phát triển (ENDA) cùng với vốn đối ứng của thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Để triển khai dự án, UBND thành phố thành lập Ban quản lý dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” thành phố Kon Tum.
Ban quản lý dự án này có nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự án và được ủy quyền làm chủ đầu tư xây dựng Xưởng chế biến phân compost thuộc công trình “Trung tâm phục hồi tài nguyên tổng hợp (IRRC)” tại khu vực Bãi rác cũ của thành phố và một số nhiệm vụ khác.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” đã được xây dựng và đi vào hoạt động gần 10 năm, tuy nhiên hiện nay không được sử dụng. Ngay từ cổng ra vào đã bị hư hỏng, gỉ sét, xung quanh khu vực cây, cỏ mọc um tùm. Phía bên trong, một số khu vực cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND thành phố Kon Tum cho biết, ngày 6/11/2012 dự án đã hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng. Khi đó, xưởng chế biến phân Compost được Ban quản lý dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” thành phố quản lý, sản xuất phân theo đúng quy trình và kỹ thuật được chuyển giao.
UBND thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, hướng dẫn các phường thành lập Ban vận động, lựa chọn 6 Tổ dân phố và Trung tâm thương mại Kon Tum để làm thí điểm triển khai phân loại rác nhằm đảm bảo lượng rác hữu cơ làm nguyên liệu đầu vào cho xưởng hoạt động.
Theo ông Tuấn, trong suốt quá trình vận động thực hiện phân loại rác tại nguồn, số hộ thực hiện không nhiều và ngày càng giảm, chỉ đáp ứng cho khoảng 20-25% công suất của các bể ủ.
Còn để triển khai thu gom rác chưa phân loại thì chi phí phục vụ cho việc tự phân loại tại xưởng quá cao, không hiệu quả. Đồng thời việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tiếp tục vận hành xưởng là rất khó nên không thể thực hiện được.
Đến ngày 22/6/2015, sau 1 năm không được viện trợ, Công ty Môi trường đô thị Kon Tum - cơ quan thường trực của Ban quản lý dự án đã thông báo tạm ngưng hoạt động của Xưởng chế biến phân Compost vì thiếu nguyên liệu đầu vào và không cân đối được kinh phí để bù lỗ.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay dự án này vẫn được Ban quản lý dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” thành phố Kon Tum quản lý, bảo vệ.
Đặc biệt, ông Tuấn cho hay, vị trí khu đất này thuộc dự án “Chỉnh trang đô thị”, tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp (Do Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư). Chính vì vậy nên không phù hợp để tiếp tục duy trì hoạt động xử lý rác.
Do đó, Ban quản lý dự án “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” thành phố Kon Tum đang phối hợp với các nghành chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ thanh lý tài sản để bàn giao đất.