Phương án ứng phó trong điều kiện dịch bệnh
Ngày 28/8, Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, đã có công văn về việc triển khai một số công tác trọng tâm đầu năm học 2021-2022.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường rà soát, chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… trước khi đón học sinh quay trở lại trường. Bên cạnh đó, xây dựng phương án dạy học gắn với phương án phòng chống Covid-19 tại cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh về việc đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh việc tiếp xúc với các nguồn lây.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương để thực hiện khử khuẩn trường, lớp và xử lý các tình huống y tế phát sinh bất thường.
Sở GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tận dụng “thời gian vàng” để dạy trực tiếp ở các cấp học. Đặc biệt là cấp mầm non, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.
Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục vừa dạy học trực tiếp vừa hướng dẫn học sinh và phối hợp với phụ huynh để chuẩn bị cho phương án dạy học trực tuyến. Sở khuyến khích các trường vừa dạy học trực tiếp kết hợp dạy học trực tuyến ở những trường/lớp đủ điều kiện.
Đối với học sinh cấp Tiểu học, trong trường hợp “nguy cơ” sẽ chia học sinh thành các nhóm đối tượng. Cụ thể, nhóm học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến, có cha mẹ học sinh "cùng học" với con thì giáo viên thành lập nhóm qua Zalo, Messenger.... để kết nối, tương tác và hướng dẫn phụ huynh cùng học với con. Sau đó tiến hành dạy học trực tuyến (nếu số lượng ít, các trường có thể dạy chung theo khối).
Còn với nhóm học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến nhưng cha mẹ không "cùng học" được với con thì giáo viên thành lập nhóm phụ huynh học sinh qua Zalo, Messenger.... Từ đó, kết nối, tương tác, phối hợp với cha mẹ học sinh để hướng dẫn học sinh học tại nhà.
Hỗ trợ dạy trực tuyến cho học sinh "đặc biệt"
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Kon Tum yêu cầu, với học sinh lớp 1 ở tuần làm quen thì tổ chức các hoạt động nhằm giúp các em làm quen với trường, lớp, thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, làm quen và sử dụng bút, sách, vở, bảng, nề nếp học tập... nhằm hình thành thói quen, sinh hoạt ở ngôi trường mới.
Riêng học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số, ngoài tổ chức các hoạt động nêu trên, các cơ sở giáo dục tiểu học cần ưu tiên thời gian để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Đối với học sinh THCS, THPT, Sở GD&ĐT Kon Tum yêu cầu các cơ sở giáo dục, trong trường hợp “nguy cơ” xảy ra, các đơn vị thực hiện giãn cách để tổ chức dạy cho lớp 6, lớp 9 và lớp 12. Các khối lớp còn lại tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với tự học có hướng dẫn.
Bên cạnh đó, học sinh của địa phương hiện đang ở các tỉnh khác, Sở GD&ĐT yêu cầu thành lập các lớp học trực tuyến để dạy cho các em. Các trường có học sinh tham gia học tập, phân công giáo viên của nhà trường hỗ trợ trực tuyến thêm cho các em về việc đăng nhập tài khoản, trong quá trình học tập. Khi tổ chức các lớp học trực tuyến cần tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong giờ học.
Giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh kiểm soát chặt chẽ học sinh, tăng cường tính tự học của học sinh. Trong đó, giáo viên giao các nhiệm vụ học tập cho học sinh và kiểm tra, đánh giá thường xuyên để nắm bắt sự chuyên cần, tiến bộ của học sinh.
Đối với học sinh không có điều kiện học trực tuyến, các trường chỉ đạo các tổ bộ môn biên soạn những kiến thức cơ bản nhất của bài học, có hướng dẫn chi tiết nội dung tự học, các câu hỏi, bài tập mẫu…để học sinh có thể tự học.
Huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức Đoàn thể tự nguyện hỗ trợ ở các khu dân cư, khuyến khích học sinh các lớp lớn hỗ trợ cho các em nhỏ trong học tập. Đồng thời, đảm bảo trong thời gian không đến trường, học sinh vẫn có nội dung để rèn luyện học tập phù hợp tại nhà.