Kon Tum: Sáng tạo và chủ động trong phát triển giáo dục dân tộc

Kon Tum: Sáng tạo và chủ động trong phát triển giáo dục dân tộc

(GD&TĐ) - Sáng 6/4, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD-ĐT), Nhà xuất bản GDVN, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đến thăm, đồng thời nắm bắt tình hình dạy học tại các Trường TH Ngọc Tụ, Trường MN Bình Minh, Trường PTDTNT huyện Đăk Tô, Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành và Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum.

Bộ trường và đoàn công tác đến thăm trường TH Ngọc Tụ
Bộ trường và đoàn công tác đến thăm trường TH Ngọc Tụ

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum về tình hình phát triển GD&ĐT của địa phương. 

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới. Hiện toàn tỉnh có 448 cơ sở giáo dục, trong đó có 108 trường mầm non, 131 trường tiểu học; 100 trường THCS; 24 trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); 7 trung tâm GDTX, 1 TT ngoại ngữ - tin học, 68 TTHTCĐ, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp; 1 trường dạy nghề, 4 trung tâm dạy nghề, 2 trường Cao đẳng (CĐSP, CĐKT-KT) và 1 phân hiệu ĐH Đà Nẵng. 

Thăm học sinh và thầy cô Trường MN Bình Minh.
Thăm học sinh và thầy cô Trường MN Bình Minh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum Nguyễn Sỹ Thư cho biết: Đến tháng 3/2012, tỉnh có 84 trường đạt chuẩn quốc gia (tỉ lệ 23%) trong đó có 19 trường mầm non; 45 trường tiểu học; 15 trường THCS và 5 trường THPT. Hệ thống trường PTDTNT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh. 

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT Kon Tum đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh đối với các trường PTDTNT và công tác cử tuyển đối với học sinh DTTS.  Nhờ thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách cho HS dân tộc, nên giáo dục dân tộc đã có bước phát triển mới. Chất lượng giáo dục học sinh DTTS từ MN đến THPT đã có những chuyển biến tích cực. Việc củng cố, nâng cao kết quả CMC, PCGD tiểu học và thực hiện nhiệm vụ PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS được chú trọng. Số người trong độ tuổi 15-25 biết chữ đạt tỷ lệ 98,9%; 100% số xã phường, thị trấn được công nhận và duy trì PCGD tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS. 

Thăm “nơi ăn, chốn ở” của HS Trường PTDTNT huyện Đăk Tô.
Thăm “nơi ăn, chốn ở” của HS Trường PTDTNT huyện Đăk Tô.

Ngoài ra, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp và đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục như: Mở rộng hệ thống trường, lớp bán trú dân nuôi; Tăng cường vốn tiếng Việt và kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh DTTS, nhất là mẫu giáo 5 tuổi và HS tiểu học; Thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông khảo sát đánh giá, phân loại học lực HS yếu kém, mở các nhóm, lớp "đặc biệt" để phụ đạo... 

Tỉnh Kon Tum có địa bàn rộng, chia cắt cùng với điều kiện dân cư phân tán thành nhiều cụm làng, thôn nên việc mở trường lớp tập trung gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Sỹ Thư, do có nhiều điểm lẻ nên khả năng đầu tư về CSVC, thiết bị dạy học đối với các lớp mầm non, tiểu học không đáp ứng yêu cầu, đồng thời, sĩ số học sinh/lớp ở từng điểm thấp nên cần nhiều biên chế giáo viên và việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hiện có 5 TTGDTX cấp huyện đã được thành lập nhưng chưa có cơ sở để hoạt động. Do thiếu phòng học nên hiện nay tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày, số học sinh được học phụ đạo còn thấp. Điều kiện về nhà ở, sinh hoạt, đi lại của hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang là một bài toán khó, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ. 

Chia sẻ những khó khăn, bất cấp mà ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đang gặp phải, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận: Trong thời gian qua, Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ phù hợp và để nâng cao chất lượng GD&ĐT. Đặc biệt trong giáo dục dân tộc, địa phương đã chủ động và có nhiều sáng tạo, giải pháp hay mang lại những kết quả thiết thực. Các điều kiện phục vụ GD&ĐT được đầu tư tăng cường đáng kể, nhất là trong việc chuẩn hóa về CSVC, đội ngũ GV, CBQL. Những giải pháp đầu tư nhằm phát triển GD&ĐT theo chiều sâu trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy tác dụng rõ rệt, giáo dục vùng sâu, vùng xa có nhiều bước tiến mới, duy trì được sỉ số HS, hạn chế được tình trạng HS bỏ học giữa chừng. Khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ rõ rệt và thể hiện tốt các kỹ năng sử dụng máy tính. Đây là những tín hiệu thể hiện nền GD&ĐT tỉnh Kon Tum đang có những bước đi và phát triển đúng hướng.

Bộ trưởng tặng quà cho Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum.
Bộ trưởng tặng quà cho Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo và các ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã làm rõ thêm nhiều vấn đề, nội dung liên quan đến nguồn vốn đầu tư, chế độ chính sách, quy hoạch phát triển trường PTDTNT, cơ cấu lại các ngành nghề đào tạo tại địa phương. Đồng thời, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý trong việc xây dựng các chính sách phát triển GD&ĐT cả nước nói chung và các tỉnh thuộc vùng cao, miền núi nói riêng. 

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.