Kon Tum: Công trình thủy lợi đầu tư tiền tỷ hoạt động cầm chừng

GD&TĐ - Hai công trình thủy lợi được xây dựng với kinh phí hơn 45 tỷ đồng, phục vụ các dự án công nghệ cao và thu hút đầu tư. Tuy nhiên sau khi đi vào hoạt động các công trình này chưa phát huy được hiệu quả như đề ra

Công trình thủy lợi kết hợp trạm bơm nước ở thôn Kon Tu Rằng đóng cửa, then cài.
Công trình thủy lợi kết hợp trạm bơm nước ở thôn Kon Tu Rằng đóng cửa, then cài.

Mưa xuống “mất nước”

Để thu hút đầu tư và phục vụ các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, rau - hoa xứ lạnh, năm 2016 - 2017 UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) đã đầu tư xây dựng 2 công trình thủy lợi với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, các công trình này chưa phát huy được hiệu quả như đề ra.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, công trình hệ thống nước tự chảy, cấp nước tưới cho sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh tại khu 37 hộ, thôn Kon Tu Rằng được khởi công tháng 12/2017, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 8/2020 với kinh phí trên 31 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và Chương trình 30a.

Công trình gồm các hạng mục như đập đầu mối để lấy nước, đường ống và 6 bể chứa với dung tích mỗi bể 250m3 để cung cấp nước tưới cho hơn 70 ha rau, hoa quả của các hộ dân bằng phương pháp tưới tiết kiệm.

Tuy nhiên theo một số người dân khu vực này, công trình đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, do công trình là hệ thống nước tự chảy nên phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước đầu nguồn. Vào mùa mưa bùn đất, cây cối, rác chui vào làm đường ống dẫn nước bị tắc nghẽn.

Công trình thứ 2 là đập thủy lợi kết hợp trạm bơm cấp nước khu quy hoạch phát triển rau, hoa, quả và các loại cây trồng khác, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2016, hoàn thành tháng 11/2019, với kinh phí trên 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Công trình này gồm 2 trạm bơm thủy lợi và 1 bể chứa khoảng 250m3. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện cả 2 trạm bơm đều trong tình trạng cửa đóng then cài, cỏ mọc che kín lối đi.

Theo ông Nguyễn Văn Việt (trú thôn Kon Ru Rằng 1, xã Măng Cành), ông chuyển về thôn sinh sống khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên, chỉ thấy các trạm bơm được sử dụng vài lần.

“Tôi đến đây được 2 năm thì thấy trạm mở cửa 2 lần, nhưng đều phục vụ các đoàn đến kiểm tra. Tôi không biết công trình được xây dựng để làm gì bởi ít thấy hoạt động. Người dân sống bên công trình thì phải chịu cảnh thiếu nước sạch”, ông Việt nói.

Công trình hệ thống nước tự chảy, cấp nước tưới cho sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh tại khu 37 hộ thường xuyên bị tắc nghẽn khi mưa xuống.
Công trình hệ thống nước tự chảy, cấp nước tưới cho sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh tại khu 37 hộ thường xuyên bị tắc nghẽn khi mưa xuống.

Chưa thu tiền nước các đơn vị sử dụng

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông), cho biết, đối với việc phát triển các dự án rau, hoa, quả xứ lạnh thì nước là một yếu tố hết sức quan trọng. Để đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp thì tỉnh, huyện đã bố trí nguồn vốn xây dựng các công trình thủy lợi.

Theo ông Mậu, việc đầu tư trạm bơm, hệ thống nước tự chảy nhằm kêu gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư vào rau xứ lạnh và phát triển du lịch.

Cũng theo vị Chủ tịch xã, để các công trình hoạt động có hiệu quả thì huyện, xã đã làm việc với các vùng lân cận. Qua đó, một số đơn vị, doanh nghiệp đã đấu nối, sử dụng nước dùng để chăn nuôi, tưới tiêu.

Tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm ở khu vực thôn Kon Tu Rằng mưa đều, nước không phải vấn đề cấp thiết nên có thể các đơn vị chưa sử dụng đến 2 trạm bơm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu ra các mặt hàng nông nghiệp khó khăn nên một số đơn vị chưa mở rộng hoạt động sản xuất dẫn đến nhu cầu sử dụng nước không nhiều.

Còn đối với công trình hệ thống nước tự chảy, cấp nước tưới cho sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh tại khu 37 hộ, ông Mậu cho hay vẫn đang được người dân sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, vào những ngày mưa thì rác, lá cây làm tắc nghẽn đường ống. Do đó, mỗi khi mưa xuống cán bộ, người dân sẽ bố trí lực lượng lên đầu nguồn để khơi thông đảm bảo nước sử dụng và tưới tiêu cho người dân.

Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết, hiện 2 công trình thủy lợi vẫn đang hoạt động và được người dân, doanh nghiệp sử dụng bình thường.

Theo ông Tín, huyện đã giao cho UBND xã Măng Cành và tổ tự quản sử dụng và quản lý các công trình này. Tuy nhiên, những đơn vị sử dụng hiện tại mới trả tiền điện khi sử dụng các trạm bơm. Riêng việc thu tiền nước, ông Tín cho rằng, huyện đã tham khảo nhiều khu vực, đơn vị.

Tuy nhiên, đến nay thông tin này chưa rõ ràng nên địa phương giao lại tổ cộng đồng để quản lý, sử dụng. Do đó, địa phương chưa thu tiền nước đối với bất kì đơn vị nào.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch huyện, theo chủ trương của tỉnh sẽ sắp xếp lại khu nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, thời gian tới dự định sẽ giao các công trình lại cho ban nông nghiệp công nghệ cao quản lý để đảm bảo việc vận hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ