Kon Tum: Bác sĩ năn nỉ cứu con, gia đình nhất quyết không cho chữa trị

GD&TĐ - Mặc dù vết bỏng đã lở loét và hoại tử nhưng gia đình nhất quyết không cho con tiếp tục chữa trị, dù cho các mạnh thường quân và y bác sĩ hứa sẽ hỗ trợ hoàn toàn chi phí chữa bệnh và ăn ở.

Chị I Hui cùng người con bị bỏng có nguy cơ nhiễm trùng máu nếu không được chữa trị.
Chị I Hui cùng người con bị bỏng có nguy cơ nhiễm trùng máu nếu không được chữa trị.

Ngày 12/5, sau khi nhận được thông tin một số bác sĩ công tác ở bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh trực tiếp lên tận huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) để thăm khám cho cháu A Huyên (9 tuổi, trú làng Đăk Kang Piêng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) bị bỏng nặng nhưng gia đình không tiếp tục cho điều trị, chúng tôi đã có mặt tại nhà cháu bé để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện.

Dưới căn nhà nhỏ, nằm lẩn khuất trong rẫy cao su lúc này rất nhiều người tập trung. Chính quyền địa phương cùng các y bác sĩ ra sức khuyên ngăn, động viên gia đình để đưa cháu bé đi điều trị, tuy nhiên gia đình nhất quyết không đồng ý.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào khoảng đầu tháng 1, Huyên bị bỏng toàn thân do cháy xăng. Ngay sau đó, gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện huyện để thăm khám. Tuy nhiên, do vết bỏng quá nặng, chi phí cao nên gia đình không có khả năng chạy chữa nên đưa cháu về.

Đến ngày 19/1, giáo viên chủ nhiệm của Huyên phát hiện các vết thương của cháu bé bắt đầu hoại tử nên đã cầu cứu các mạnh thường quân và nhà hảo tâm.

Sau khi nắm được thông tin, ngay trong đêm một nhóm thiện nguyện đã đến nhà Huyên và đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng I để cấp cứu và chữa trị. Khi Huyên nhập viện thì đã trong tình trạng phỏng lửa độ II – III với 65% diện tích cơ thể.

Trong khoảng thời gian 4 tháng được các y bác sĩ tích cực điều trị, Huyên đã dần bình phục, được ghép da, chữa trị nên những vết bỏng đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 20% diện tích cơ thể. Các vết thương bị hoại tử, tình trạng nhiễm trùng máu đã được khống chế. Trước diễn biến tích cực thì các bác sĩ nhận định chỉ cần thực hiện 1 ca ghép da nữa thì bệnh nhân sẽ bình phục.

Tuy nhiên, bất ngờ vào ngày 5/5 vừa qua gia đình đã đón cháu Huyên về nhà mà không tiếp tục chữa trị nữa. Mặc cho các y bác sĩ và nhà hảo tâm khuyên ngăn và hứa sẽ miễn phí toàn bộ chi phí chữa bệnh và ăn ở nhưng gia đình vẫn nhất quyết ra về.

Do không được chữa trị nên đến khi về nhà vết thương trên người Huyên tiếp tục lỡ loét, hoại tử khiến cháu luôn trong tình trạng mệt mỏi, co giật, sốt…

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chị I Hui (mẹ A Huyên) cho biết, do bản thân chị đang mang thai sắp đến ngày sinh, nhà lại có 5 người con nữa nên không thể tiếp tục ở viện điều trị cho Huyên. Không những thế, chồng chị cũng phải ở nhà làm lụng lo cho cả gia đình nên cả nhà quyết đưa Huyên về.

Chị I Hui còn cho rằng, vết thương của con mình đã lành nên rửa nước muối là khỏi. Người phụ nữ cũng cho hay, chị sẽ để cho số phận quyết định sự sống chết của con chứ không muốn mang nợ ai, cũng không muốn các bác sĩ đến nhà khám cho con nữa.

Tuy nhiên, qua thăm khám các bác sĩ cho biết, hiện sức khỏe của Huyên đang trong tình trạng nguy kịch, các vết thương đã lở loét, lan rộng ra trên diện tích hơn 30% cơ thể. Các bác sĩ nhận định những vết thương này rất nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, sau khi nắm được thông tin chính quyền địa phương đã đến gia đình để vận động gia đình đưa cháu bé đi thăm khám, chữa trị nhưng cả nhà không đồng ý.

Còn lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cho hay, đơn vị sẽ có những chỉ đạo cụ thể để cứu mạng sống ủa cháu A Huyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.