Kom Tum: Mất gần 300 triệu đồng vì bị lừa "gây tai nạn giao thông làm chết người"

GD&TĐ - Tự xưng là Công an đang điều tra vụ việc gây tai nạn giao thông và buôn bán ma tuý, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ số tiền đang có để chứng minh bản thân trong sạch.

Đoạn tin nhắn đối tượng tự xưng Trung uý công an gửi cho nạn nhân.
Đoạn tin nhắn đối tượng tự xưng Trung uý công an gửi cho nạn nhân.

Ngày 10/9, Công an huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết, trên địa bàn vừa xảy vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 23/8, bà N.T.L (59 tuổi, trú huyện Sa Thầy, Kon Tum) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo bà có liên quan đến một vụ vi phạm an toàn giao thông. Sau đó, số máy này yêu cầu bà L. bấm phím 9 để được nghe thông tin cụ thể.

Sau khi làm theo, có một người đàn ông tự xưng mang hàm Trung úy, đang công tác tại Công an TP. Hà Nội. Người này thông báo rằng Công an TP. Hà Nội đang điều tra vụ việc bà L. gây tai nạn khiến 1 người chết rồi bỏ trốn.

Mặc dù bà L. phủ nhận và cho rằng dịch bệnh nên không ra khỏi địa bàn tỉnh nhiều tháng nay. Nhưng người tự xưng công an này vẫn hỏi một số thông tin cá nhân của bà L. và cho biết sẽ báo cáo lại lãnh đạo.

Sau đó, một số điện thoại khác gọi cho bà L. xưng là Đại uý, Trưởng ban chuyên án. Người này hỏi thông tin về tài sản, số thẻ CCCD, số tài khoản ngân hàng của bà L. rồi tắt máy. Ít phút sau, người tự xưng là Đại tá công an gọi lại cho bà L. và nói bà liên quan đến một vụ buôn bán ma tuý.

Người này cho biết nếu bà L. muốn chứng minh bản thân trong sạch thì phải gửi tất cả số tiền đang sở hữu vào số tài khoản của đối tượng. Sau khi điều tra xong sẽ hoàn trả lại cho bà L.

Người tự xưng là Đại tá cũng yêu cầu bà L. tuyệt đối giữ bí mật vì vụ việc đang trong quá trình điều tra. Không những vậy, người này còn gửi ảnh chụp quyết định tạm giam ghi tên bà L. cùng địa chỉ tạm trú.

Muốn minh oan cho bản thân vào ngày 24-25/8 bà L. đã bán vàng, rút tiền trong thẻ tiết kiệm rồi gửi vào 2 số tài khoản của người tự xưng là Đại tá với tổng số tiền 292 triệu đồng.

Sau khi chuyển tiền, bà L. liên hệ lại với các số điện thoại trên nhưng không được.

Biết mình bị lừa, bà L. đã đến cơ quan công an trình báo.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Trước vụ việc trên, Công an huyện Sa Thầy khuyến cáo người dân không nên để lại thông tin cá nhân, số điện thoại, số CCCD trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ. Khi nhận được những cuộc gọi từ số điện thoại lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cáo buộc liên quan đến các vụ án thì người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để được hướng dẫn xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.