Kỳ 3. Thời hoa niên sôi nổi
(GD&TĐ) - Khi Fuchs làm việc trong dự án bom nguyên tử tuyệt mật của Anh, anh mới bước qua tuổi 30. Anh nhanh chóng được chính thức trở thành công dân Anh. Đôi lúc, Fuchs vẫn bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian thơ ấu ở nước Đức, với nhiều biến cố khó quên.
->> Kỳ 1. Quả bom nguyên tử đầu tiên
->> Kỳ 2. Dự án bom nguyên tử Anh
Fuchs ở tuổi 22 |
Cha của Fuchs theo Tân giáo, từng đến nước Anh thăm bạn bè cùng giáo phái từ trước khi Đại chiến Thế giới I nổ ra. Anh dành nhiều tình cảm cho người chị cả Elisabeth, một thiếu nữ đầy nhiệt huyết. Cô lập gia đình với một người cấp tiến trở thành nhà hoạt động chính trị, nhiều lần bị phát xít bắt giam. Năm 1939, bị mật vụ Đức truy đuổi, Elizabeth buộc phải nhảy từ một chiếc cầu xuống dưới, nơi có một đoàn tàu đang chạy qua. Người anh Gerhard của Fuchs cũng bị đuổi khỏi trường Luật do bất đồng quan điểm chính trị và cũng phải ngồi tù. Người em út Kristel bị tâm thần phân liệt, sau này cũng được học tại Trường Swarthmore ở Mỹ, nhưng phần lớn thời gian phải nằm viện. Các anh chị em trong gia đình Fuchs đều được cha dạy dỗ rằng họ sinh ra là để phụng sự, để bảo vệ lý tưởng và để được tôn trọng với đức tin của mình.
Giai đoạn quyền lực của Hitler và đảng Phát xít đang ngày càng mạnh mẽ, chàng sinh viên Fuchs đã lựa chọn con đường đối nghịch bằng cách tham gia đảng Xã hội Đức. Thất vọng vì đảng Xã hội Đức từ bỏ lý tưởng của mình, mặc cho Hitler chiếm lĩnh đỉnh cao quyền lực sau khi thắng cử năm 1932, Fuchs tham gia đảng Cộng sản – thế lực chính trị duy nhất hoạt động chống lại Hitler.
Đầu năm 1933, khi tòa nhà Quốc hội Đức bị cháy và Hitler kết tội những người cộng sản, thì Fuchs đang trên đường đến một cuộc họp ở Berlin. Là một tiếng nói có uy tín, một đảng viên nổi trội, chắc chắn anh sẽ bị mật vụ theo dõi. Không còn cách nào khác, Klaus phải bỏ trốn. Anh đi một chuyến tàu dài suốt 7 giờ, luôn di chuyển từ toa này sang toa khác, trong lúc mật vụ Hitler lùng sục kiểm tra giấy tờ tùy thân. Đến Thụy Sĩ, Fuchs đổi tàu đến Paris. Đoàn tàu dài chậm chạp đưa Klaus Fuchs đến Kinh đô Ánh sáng vào lúc tinh sương. Sử dụng giấy tờ tùy thân từ một người bạn của cha, Fuchs rảo bước những con phố tranh sáng tranh tối. Anh ở lại Paris trong nhiều tháng, rồi sang Anh quốc, với sự giúp đỡ từ những người bạn của cha. Chiếc vali nhỏ mang theo từ Đức đã rách tơi tả, và tất cả gia sản của anh được gói gọn trong một chiếc túi vải.
Nước Anh dần trở nên thân thuộc với Fuchs. Bầu không khí cởi mở khiến Fuchs cảm thấy vô cùng thoải mái. Mỗi người dân đều có thể tranh luận về chính trị một cách công khai. Tại đây, anh có thể tự do phát biểu quan điểm Marsist của mình mà không e ngại bị trấn áp hay khủng bố. Fuchs cũng yêu thích Bristol và khu ngoại ô. Làm luận án tiến sĩ, anh không có nhiều thời gian rảnh để khám phá xung quanh, nhưng với anh, nước Anh thực sự là “một miền đất xanh tươi hiền hòa”. Người dân thân thiện, các giáo sư hỗ trợ anh hết lòng, cuối tuần lại tận hưởng những cuộc trò chuyện vui vẻ, những điệu nhảy bên ly rượu. Với tấm bằng tiến sĩ, Klaus đã có thể tìm kiếm một vị trí ở Birmingham. Anh có bạn bè, có nguồn thu nhập cho những nhu cầu khiêm tốn của mình, có nhà riêng và cuộc sống cứ thế trôi qua với những ngày tận tụy nghiên cứu khoa học.
Kiều Phong (Còn tiếp)