Thông đường Vành đai II trên cao, nút giao thông Ngã Tư Sở - Hà Nội tăng ùn tắc

GD&TĐ - Đường Vành đai II trên cao được kỳ vọng sẽ giúp tuyến Trường Chinh - Đại La - Minh Khai và nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng giảm ùn tắc. Nhưng khi thông tuyến đường này “tắc vẫn hoàn tắc”

Phương tiện từ đường Vành đai II trên cao đổ xuống, xen lẫn vào dòng người đông đúc bên dưới khiến giao thông trở nên “nghẹt thở”.
Phương tiện từ đường Vành đai II trên cao đổ xuống, xen lẫn vào dòng người đông đúc bên dưới khiến giao thông trở nên “nghẹt thở”.

Ùn tắc do xung đột trong phân luồng?

Anh Thiên Minh, làm việc trên tuyến phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, từ khi thông xe, việc di chuyển qua nút giao thông Ngã Tư Sở vào giờ cao điểm là vô cùng vất vả vì ùn tắc. 

Theo anh Thiên Minh, trước khi thông tuyến, chỉ mất 1 - 2 nhịp đèn đỏ là có thể đi qua. Sau khi thông xe xảy ra hiện tượng xung đột giao thông. Việc phân luồng chưa hợp lý khiến người tham gia giao thông qua đây khá vất vả.

Còn trên tuyến Trường Chinh – Đại La – Minh Khai, tình trạng giao thông cũng chẳng mấy khả quan. Hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm xảy ra thường xuyên. “Mặc dù đã thông xe tuyến trên cao, thế nhưng tình trạng giao thông trên tuyến Trường Chinh cũng không mấy khả quan” – chị Hải Yến, một người dân thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến Trường Chinh chia sẻ.

Thiếu tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 3 (Công an TP Hà Nội) cho biết, trực tại chốt giao thông Trường Chinh - Ngã Tư Sở gồm 2 CSGT. Ngoài ra, đơn vị còn bố trí thêm các tổ tuần tra cơ động tăng cường để phân luồng phương tiện từ xa. Đường lên cầu cạn Vành đai II khu vực Giải Phóng - Trường Chinh, đã bố trí người hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông lưu thông đúng làn.

Đại uý Đoàn Ngọc Việt - Phó Trưởng Công an phường Ngã Tư Sở cho biết, trước áp lực giao thông lớn đơn vị thường xuyên duy trì 1 cảnh sát trật tự, 1 dân phòng tại nút giao thông trên. 

Bên cạnh đó, để thông suốt toàn tuyến, Công an phường đã cho rào chắn lối rẽ tắt dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở (từ hướng Tây Sơn đi Nguyễn Trãi) sang chiều ngược lại để tránh xung đột. Lối rẽ từ Tây Sơn đi đường Láng cũng lắp dải phân cách mềm kéo dài để điều tiết và tránh hiện tượng dòng xe rẽ ngang để đi vào Trường Chinh.

Trước đó, trong nhiều ngày, đường Vành đai II trên cao dành cho ô tô luôn ùn tắc nghiêm trọng. 

Lực lượng chức năng căng mình phân luồng, điều tiết giao thông.
Lực lượng chức năng căng mình phân luồng, điều tiết giao thông.

Ùn tắc do người tham gia giao thông… chưa quen

Ông Nguyễn Hoàng Thắng - Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (Đống Đa) cho biết: “Để tham gia cùng các lực lượng chức năng chống ùn tắc, Ban Chỉ đạo 197 phường thường xuyên đôn đốc không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vi phạm dừng đỗ và tập kết vật liệu xây dựng dưới gầm cầu vượt. Ngoài ra, Công an phường cũng thường xuyên có mặt điều tiết, phân luồng tại các lối rẽ từ làng Khương Thượng ra đường Trường Chinh hướng về Ngã Tư Sở…”.

Còn theo ông Trần Nhật Quang - Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên đường Trường Chinh hướng về Láng, thời gian đèn xanh bật đã được tăng lên 95 giây. Đèn đỏ giảm còn 60 giây để các phương tiện di chuyển hợp lý. Thanh tra giao thông cũng được tăng cường cùng công an và các lực lượng khác điều tiết giao thông ở khu vực trên trong mọi khung giờ.

Về nguyên nhân, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, việc ùn tắc ở giai đoạn mới thông xe vẫn có thể xảy ra. Có thể do người tham gia giao thông chưa quen đường. 

“Chúng ta cho xây dựng đường trên cao nhưng 2 nút đầu chưa hoàn thành về hạ tầng cũng như tổ chức giao thông chưa tốt. Bởi vậy, xe dồn xuống Ngã Tư Sở sẽ gây nên ùn ứ giống như dòng nước đổ xuống một chỗ mà rút không kịp…”, TS Thủy nói.

Để giảm ùn tắc, trước khi thông xe, cơ quan chức năng phải nâng cấp, cải tạo đầu nút giao thông. Đồng thời, tổ chức giao thông tốt, hợp lý đèn tín hiệu.

“Đèn tín hiệu giao thông hiện còn chưa tốt. Chiều nào, bao nhiêu giây là phải tính toán kỹ. Phải có thay đổi thời gian trong ngày, nhất là khung giờ cao điểm. Giữa đèn xanh và đèn đỏ phải hợp lý thì mới giảm ùn tắc giao thông…”, TS Thủy đưa ra giả thiết.

TS Thủy cũng đề xuất, liệu đường trên cao tại nội đô có nên bổ sung 1 làn cho xe máy. “Hà Nội hiện xe máy còn phổ biến. Phải có làn cho xe máy và xe thô sơ. Từ đó, sẽ bớt ùn ứ và có phân bổ và cân đối lưu lượng xe tránh chồng chéo…”, TS Thủy nói.

Trong lúc chờ giải pháp, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông không chen ngang, lấn làn. Có vậy mới góp phần giải quyết vấn nạn ùn tắc tại khu vực mệnh danh là “Ngã tư khổ” này.

Từ 6 giờ ngày 9/11, đường Vành đai II trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng chính thức được thông xe, đưa vào khai thác. Theo phân luồng giao thông, xe ô tô được phép lưu thông trên tuyến đường Vành đai II trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại); cấm xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ lưu thông trên đoạn tuyến này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.