Kon Tum: Sạt mố cầu, dân 2 xã và học sinh phải đi đường vòng xa hơn vài km

GD&TĐ - Cây cầu nối 2 xã của huyện Đăk Hà ra trung tâm bị sạt lở, hư hỏng khiến người dân không thể di chuyển qua lại.

Cây cầu bị sạt lở, hư hỏng nặng nên chính quyền đã cắm biển cảnh báo, giăng dây không cho người dân di chuyển qua lại.
Cây cầu bị sạt lở, hư hỏng nặng nên chính quyền đã cắm biển cảnh báo, giăng dây không cho người dân di chuyển qua lại.

Để đảm bảo an toàn, nhiều phụ huynh, học sinh phải đi đường vòng xa hơn vài km.

Những ngày qua, cây cầu bắc qua sông Đăk Pxi (đoạn chảy qua thôn Kon Đao Yốp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, Kon Tum) bị sạt lở mố cầu khiến người dân 2 xã Đăk Long và Đăk Pxi khó khăn khi di chuyển ra khu vực trung tâm.

Theo tìm hiểu, hạng mục công trình cầu tại Km 15+560 (xã Đăk Long) nằm trong Dự án đường giao thông tránh lũ từ thôn 10 xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) đi thôn 2 (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) với tổng chiều dài gần 26,5 km. Tổng vốn đầu tư dự án này là 270 tỷ đồng.

Dự án do UBND huyện Đăk Hà làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Đăk Hà quản lý. Theo đó, dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2010, đến năm 2016 hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cây cầu sau khi được đưa vào sử dụng khiến cuộc sống của người dân 2 xã Đăk Long và Đăk Pxi thuận lợi và không bị chia cắt mỗi khi bão lũ. Tuy nhiên, cuối năm 2020 do ảnh hưởng của mưa lũ khiến cây cầu bị hư hỏng nặng.

Theo đó, cây cầu bị sạt lở khoảng 200 m mái bờ sông, đặc biệt là khu vực quanh mố cầu M2 khiến toàn bộ tứ nón hạ lưu bị hư hỏng. Bên cạnh đó, mặt đường nhựa cũng bị sập hơn một nửa, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi di chuyển qua lại.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Đăk Hà đã quyết định phê duyệt khắc phục cầu Km 15+560 với kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian sửa chữa vào chiều 25/5, cây cầu tiếp tục bị sạt lở, hư hỏng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, một phần mặt cầu bị sập và xuất hiện vết nứt kéo dài. Bên cạnh đó, phía dưới chân cầu đất đá bị cuốn trôi, gây hở hàm ếch. Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, rào chắn không cho người dân di chuyển qua lại.

Bà Bùi Thị Thu (thôn Kon Đao Yốp) cho biết, gia đình bà đã sinh sống ở đây được nhiều năm. Nguồn thu nhập chính của nhà bà dựa vào 2ha đất trồng cà phê ở bên kia sông. Tuy nhiên, từ khi cây cầu bị hư hỏng việc đi lại và chăm sóc rẫy gặp nhiều khó khăn.

“Hiện tại cây cầu sập, chính quyền không cho các phương tiện qua lại. Do đó, vợ chồng tôi phải đi bộ sang đầu cầu bên kia, sau đó mượn xe của người dân để vào rẫy. Khó khăn nhất hiện nay là không thể chở phân bón cho cây trồng. Chúng tôi hy vọng các cấp chính quyền quan tâm, nhanh chóng sửa lại cây cầu để người dân ổn định cuộc sống”, bà Thu tâm sự.

Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, cây cầu này nằm trên tuyến đường giao thông tránh lũ từ thôn 10 xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) đi thôn 2 (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô).

Theo ông Ái, tuyến đường này tạo điều kiện cho bà con của 2 thôn xã Đăk Long và 3 thôn của xã Đăk Pxi canh tác và không bị chia cắt vào mùa mưa. Việc cây cầu bị sạt lở khiến người dân khó khăn khi vận chuyển nông sản và phân bón. Từ ngày cây cầu bị sạt lở, hư hỏng, người dân muốn di chuyển ra Quốc lộ 14 phải đi đường vòng xa hơn vài km.

“Hy vọng rằng đơn vị thi công nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ để khắc phục, sửa chữa cây cầu. Từ đó người dân thuận lợi trong việc đi lại và canh tác”, ông Ái nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.