Hà Nội hỗ trợ người lao động: Đưa nguồn lực đến đúng đối tượng

GD&TĐ - Nhiều đối tượng trên địa bàn Hà Nội sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 do đại dịch Covid-19.

Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ. Ảnh minh họa
Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ. Ảnh minh họa

Hỗ trợ đến đúng người cần

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định 3624 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong các nhóm thuộc diện được hỗ trợ, thì nhóm lao động tự do là đối tượng khó xác định nhất. Đây cũng là đối tượng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và cả đại biểu Quốc hội trong những ngày qua.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH đã gửi văn bản dự thảo quyết định đến UBND thành phố xem xét, ban hành.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, bà Bạch Liên Hương, cho biết: Thông qua việc triển khai chính sách, các cơ quan chức năng đã rút ra bài học sâu sắc. Đó là “phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng thì nguồn lực hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp” - bà Hương nói.

Trên tinh thần đó, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo nguyên tắc nhất quán: Điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng. Đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bà Bạch Liên Hương cũng cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cho các thành viên. Các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp.

Về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương. Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch     Covid-19, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ đối tượng này, do Cục Thuế thành phố chủ trì thực hiện.

Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành LĐ-TB&XH cùng ngành thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

“Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ”, bà Hương thông tin.

Bà Hương lý giải, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác. Địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.

Kinh phí hỗ trợ bảo đảm công khai, kịp thời

Theo nội dung quyết định mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều, 3 của Luật Việc làm. Đây là đối tượng làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.

Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Quyết định 3624 nêu rõ, lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố, bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 - 31/12/2021.

Mức hỗ trợ đối tượng này là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.

Trường hợp lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày 21/7/2021, áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố hoặc chính quyền địa phương. Điều này căn cứ theo từng thời điểm và diễn biến của dịch Covid-19.

Hà Nội cũng hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022.

Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt...

Đặc biệt, thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế theo quy định của Trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp, đối với các nhiệm vụ do sở, ngành thực hiện, kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách thành phố bảo đảm theo quy định.

Đối với các địa phương sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng, ngân sách thành phố bổ sung kinh phí còn thiếu cho các huyện, thị xã để thực hiện chính sách.

Kinh phí hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được bảo đảm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động, nguồn vốn thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Quyết định số 23.

UBND TP Hà Nội cho biết, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm, gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện...

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng (số điện thoại: 0243.8344643). Đường dây nóng này sẽ tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định: Khó khăn đang ngấm càng sâu vào đời sống người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai các biện pháp hỗ trợ những người khó khăn là chủ trương kịp thời, hợp lòng dân.

Bà Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ giao các cơ quan chức năng triển khai phần mềm thống kê liên thông cho việc rà soát chính xác tới đối tượng thụ hưởng. Điều này tránh trùng lặp, bỏ sót, tiêu cực có thể xảy ra. Đồng thời rà soát khả năng chống chịu của doanh nghiệp để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.