Kinh tế - xã hội của đất nước đạt kết quả khả quan

Kinh tế - xã hội của đất nước đạt kết quả khả quan
Kinh tế - xã hội của đất nước đạt kết quả khả quan ảnh 1
Trong 6 tháng qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã đạt được kết quả khá toàn diện, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, nền kinh tế tiếp tục phục hồi khá nhanh (ảnh:gdtd.vn).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2010 diễn ra trong 2 ngày từ 1 – 2/7 có sự tham gia của lãnh đạo các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến, để qua đó, trực tiếp theo dõi, nắm bắt quán triệt ngay các chủ trương, quyết sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Hình thức này lần đầu tiên được áp dụng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2009 diễn ra ngày 30/3/2009.  

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, bên cạnh việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận các báo cáo về công tác cải cách hành chính; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng; thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế; tình hình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; kết quả thi tốt nghiệp THPT; chương trình phát triển sản phẩm quốc gia…

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5/2010 tăng 0,22%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2004 trở lại đây.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho rằng, do hạn hán tình hình thiếu điện trên diện rộng tăng lên, trong khi khả năng cân đối nguồn điện còn nhiều hạn chế; nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, gây tâm lý búc xúc cho người dân và có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và ổn định xã hội.

Thiên tai, hạn hán, lũ lụt được dự báo có thể nặng nề hơn các năm trước sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và các mặt của đời sống xã hội. Thời tiết khô hạn kéo dài nên tình hình cháy rừng diễn biến khá phức tạp, tại một số địa phương đã xảy cháy rừng nghiêm trọng với diện tích bị thiệt hại khá lớn.

Lạm phát vẫn tiềm ẩn khả năng tăng cao do các nguyên nhân như tiêu dùng và đầu tư có xu hướng tăng lên trong những tháng cuối năm; tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng; giá cả trên thế giới tăng do phục hồi kinh tế,...

Tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn diễn ra nghiêm trọng; kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững; quản lý và tổ chức lễ hội, trò chơi điện tử, xét chọn và trao giải thưởng, danh hiệu, các cuộc thi... còn nhiều lệch lạc. Công tác dự báo, thống kê, nắm thông tin trong một số lĩnh vực quản lý còn yếu kém, thiếu sót, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành.

Bộ trưởng Nguyên Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 6/2010 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt một số trọng tâm để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng kinh tế; triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá, như xăng dầu, điện, than, sữa, thức ăn chăn nuôi. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế để bình ổn giá xăng dầu. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá. Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tăng giá đất và nhà ở bất hợp lý.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tích cực triển khai công tác cải cách hành chính với trọng tâm là hoàn thành giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối nguồn điện, huy động tối đa công suất các nhà máy điện, khắc phục tình trạng cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân; đồng thời chủ động đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; chủ động ứng phó với những thay đổi về cầu tiêu dùng và các biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo đảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Trong thời gian trước mắt, cần tiếp tục tập trung giảm mặt bằng lãi suất cho vay; có chính sách lãi suất hợp lý giữa vay ngoại tệ và VND. Theo dõi, kiểm soát tốc độ tăng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ; hạn chế cho vay ngoại tệ đối với các mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức thực hiện tốt công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đặc biệt từ ngày 1/7/2010, khi Luật Doanh nghiệp nhà nước hết hiệu lực và các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về an sinh xã hội đã ban hành. Nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo; chỉ đạo việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ tốt  Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội và các địa phương liên quan; Đại hội thi đua yêu nước các Bộ, ngành, địa phương và của Trung ương.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ