Kinh tế Việt Nam sau 3 năm hội nhập WTO

Kinh tế Việt Nam sau 3 năm hội nhập WTO
(GD&TĐ)- Sáng nay 5/4, Viện nghiên cứu quản lý  kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “ Báo cáo tác động của hội nhập đối với nền kinh tế  sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO”. 
Dự hội nghị có Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý  kinh tế Trung ương, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học lao động và các vấn đề xã hội. 
Hội thảo công bố đánh giá tác động hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Ảnh, gdtd.vn
 Hội thảo công bố đánh giá tác động hội nhập đối với nền kinh tế  Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Ảnh, gdtd.vn
Báo cáo Viện nghiên cứu quản lý  kinh tế Trung ương về “Tác động của hội nhập đối với nền kinh tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO” cho thấy:  hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt là gia nhập WTO đã có tác dụng tích cực đến kinh tế của Việt Nam. Các cơ hội đan xen thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế. 
Trong đó nổi bật nhất là: tổng vốn đầu tư toàn xã hội sau khi Việt Nam gia nhập WTO đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể: năm 2009, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm  hơn 42% GDP. Đồng thời nguồn lực này đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của đất nước; năm 2008 là 6,3%, năm 2009 đạt 5,3%- một con số tương đối cao so với mức tăng trưởng thấp hoặc âm của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. 
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, độ mở... cũng như nhiều tiêu chí khác cũng cao hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO; các điều kiện ưu đãi trong các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và khu vực cũng được hợp lý và mở rộng, tạo điều kiện quan trọng thu hút đầu tư tại Việt Nam. Việc gia nhập WTO cũng tác động tích cực đến việc hoàn thiện khung pháp lý, môi trường kinh doanh và cạnh tranh minh bạch, đơn giản hóa; các loại thị trường được  mở cửa, đặc biệt là thị trường dịch vụ bảo hiểm. 
Gia nhập WTO cũng tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các vấn đề lạm phát, tỷ giá và cán cân thanh toán, thị trường tài chính và ngân sách nhà nước. Mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ đối với các yếu tố sản xuất để được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường thể hiện ở mức độ và tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mức độ hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân,  quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng: việc gia nhập WTO cũng tác động mạnh mẽ đến lao động và việc làm trong 3 năm qua, không như mong đợi. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước có xu hướng tăng, đạt mức 2,91% năm 2009. Mức độ mở cửa thị trường trong nước cao hơn nhưng chưa đúng mức, cụ thể là sự gia tăng nhập khẩu và nhập siêu...
Về bài học kinh nghiệm của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý  kinh tế Trung ương cho biết: “Bài học đầu tiên là hội nhập đem lại phát triển nếu kết hợp với với cải cách trong nước, đánh giá đúng vị thế của mình. Thứ hai là chúng ta nhận giá trị, vị thế, điểm yếu, mạnh của nước ta. 
Một trong những điểm chúng ta rõ ràng là công tác chuẩn bị và thực tiễn thực hiện các vấn đề thể chế kinh tế, vấn đề pháp lý, vấn đề thực thi, bộ máy điều hành và tổ chức thực hiện chưa được tốt trong quá trình hội nhập. Bài học nữa hội nhập không chỉ là câu chuyện thương mại, hàng hóa dịch vụ mà đó còn là câu chuyện di chuyển vùng vốn, phản ứng chính sách, là câu chuyện lựa chọn đối tác, là câu chuyện mức độ mở cửa lựa chọn cam kết.”.  
Thực tế cho thấy: nếu như chúng ta thiếu đi sự chủ động chuẩn bị các chính sách ứng phó thích hợp thì quá trình hội nhập sâu rộng cũng có thể kéo theo những rủi ro bất cập. Quá trình thực thi chính sách cần gắn với thực tiễn hơn nữa đồng thời cần có giải pháp hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các chính sách vĩ mô cũng cần có sự phối hợp cả về liều lượng và thời điểm thực thi cùng với các chính sách vi mô. Hiệu lực và hiệu quả của việc điều chỉnh, thay đổi chính sách phụ thuộc rất lớn vào quan hệ thông tin hai chiều với thị trường, công chúng. Minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng tạo niềm tin cho công chúng và sự đồng thuận xã hội.
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ