Kinh nghiệm trị sốt, ho của mẹ đưa con đi du lịch khắp nơi

Lần đầu tiên bé Nhi Bun bị sốt cao khi đi Đà Nẵng - Nha Trang, mẹ đã không vội dùng thuốc mà chườm khăn ấm và cho con ti thật nhiều.

Kinh nghiệm trị sốt, ho của mẹ đưa con đi du lịch khắp nơi

Chị Hương Ly (Hà Nội) có quan điểm khá hiện đại khi chăm sóc con nhỏ, không bao bọc trẻ bởi chị cho rằng chính việc "bố mẹ bao bọc quá là nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của trẻ". Bởi thế, mặc dù là lần đầu tiên làm mẹ nhưng ngay từ lúc mang bầu, chị đã xác định phải cố gắng sinh thường, nuôi con bằng sữa mẹ và sau này, đưa bé Nhi Bun đi du lịch nhiều để con dạn dĩ, khỏe mạnh. Hương Ly chia sẻ: "Theo mình tìm hiểu, trẻ đẻ mổ thường có hệ hô hấp và sức đề kháng kém hơn so với trẻ đẻ thường. Các bé đẻ mổ hay ốm vặt, dễ bị viêm tiểu phế quản nên dù việc sinh thường với mình không dễ dàng gì nhưng mình vẫn cố gắng hết sức.

Rồi khi nuôi bé, mình không kiêng cữ thái quá, thường cho bé ra ngoài đi dạo với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, che chắn vừa phải để tập cho con quen với môi trường bên ngoài, chỉ cần chú ý tránh gió, tráng ánh nắng trực tiếp cho con cẩn thận là được. Mỗi khi đến một môi trường lạ, cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra các kháng nguyên tốt chống lại vi khuẩn xấu gây bệnh có ở đó và mẹ cho con bú là truyền kháng nguyên đó cho con. Vì vậy, mình đặc biệt chú trọng việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục duy trì khi con ăn dặm".

Bé Nhi Bun được bố mẹ cho đi du lịch từ rất sớm, ngay khi bé mới 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, chuyến đi xa đáng nhớ nhất của cả gia đình là tới Đà Nẵng - Nha Trang khi bé 8 tháng tuổi. Đó cũng là lần đầu tiên bé bị sốt cao, co giật. Mẹ bé vẫn còn nhớ như in câu chuyện lúc đó. "Ngày đầu tiên vào đến Đà Nẵng, bố cháu phấn khởi quá và cho con ra ngắm biển luôn. Trời tháng 8 mà nắng rất gắt, khoảng 16h nhưng trời vẫn nắng, khi cho con ra ngoài, mình đã để ý bé có biểu hiện lảo đảo và người mệt mệt nhưng thật sự bố mẹ cũng ham vui, muốn đưa con đi chơi khắp nơi nên chủ quan.

Khi sang đến Hội An, bé cứ thế lả dần, lả dần và lúc này, mình thực sự rất sợ, ôm con mà lòng dạ rối bời. Đêm hôm đó về đến khách sạn, bé sốt cao, đó là lần đầu tiên con sốt cao như thế, lại ở xa nhà, thi thoảng còn bị co giật. Lòng mình đau như cắt, chẳng lẽ vì sự ham vui của bố mẹ mà dẫn đến việc giờ này con phải gánh chịu thì mình ân hận lắm. Rồi mình cố gắng bình tĩnh để theo dõi nhưng cơn co giật của con, thấy nó không kéo dài nên mình không vội đưa con đi bệnh viện, chỉ lau khăn ấm cho con, đặc biệt là nách, bẹn và cho bé bú mẹ nhiều hơn.

Đến ngày tiếp theo, bé vẫn sốt nên mình quyết định mua một viên thuốc hạ sốt đặt hậu môn nhưng mình chỉ sử dụng duy nhất một viên và không lạm dụng nó. Ngày hôm sau, theo lịch, cả nhà bay vào Nha Trang, bế con ra sân bay khi bé vẫn sốt, mình tự hỏi liệu rằng xử lý như thế có đúng không? Có nên đưa con vào viện không? Đưa con vào viện thì cũng sợ con đang yếu, nhỡ có bệnh gì truyền nhiễm lại mắc phải thì còn đáng sợ hơn. 

Một lần nữa, lòng quyết tâm của người mẹ lại dâng cao, vì bé mới sốt hai hôm nên cơn sốt cũng không thể cắt ngay được, mà các triệu chứng vẫn nằm trong tầm kiểm soát nên mình quyết định vẫn kiên trì chăm con. Trộm vía trời thương, vào đến Nha Trang, khu resort vắng, khí hậu trong lành, thoáng đãng, bé cắt sốt và trở nên vui vẻ, lanh lợi. Mình một lần nữa cảm tạ trời đất khi nhìn thấy con mạnh khỏe, nhanh nhẹn lại và càng thêm kiên định với cách chăm con của mình".

10608604-10201820316064542-4516914012773

Sau lần đó, Hương Ly tìm hiểu kỹ càng hơn về triệu chứng sốt ở trẻ và các cách xử lý của bố mẹ, chị nhận thấy có một sai lầm mà nhiều bố mẹ mắc phải, khiến con mất dần khả năng đề kháng tự nhiên. Chị bảo: "Khi trẻ nhỏ sốt là cơ thể đang chống chọi với các tác nhân gây bệnh bên ngoài, vậy nên nếu bố mẹ xử lý đúng thì sau mỗi lần ốm như vậy, sức đề kháng của con sẽ tăng lên. 

Quan trọng là lúc này bố mẹ cần bình tĩnh, chẩn đoán đúng tình trạng của con, chỉ dùng thuốc trong trường hợp cần thiết và nếu cần chỉ dùng loại thuốc nhẹ, phù hợp, chớ vội dùng kháng sinh ngay. Sốt là phản ứng bình thường của bé trước sự nhiễm khuẩn nào đó. Sốt sẽ giúp bé khởi động các bộ phận miễn dịch của cơ thể để chống lại sự nhiễm khuẩn và quan trọng nhất là các bé sẽ thường sốt từ 2-3 ngày mới khỏi chứ không thể nào khỏi ngay. Trong trường hợp bé sốt cao, co giật và lâu khỏi thì bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ.

Khi bé sốt, nhiều bố mẹ thường mặc nhiều quần áo, ủ con thật kĩ hoặc vội dùng thuốc đút hậu môn để hạ sốt. Việc mặc nhiều quần áo hoặc ủ bé quá kĩ có thể khiến con ra nhiều mồ hôi và thấm ngược vào bên trong gây viêm phổ. Với Nhi Bun, khi con sốt, mình thường mặc cho con quần áo thoáng, cho con uống tăng nước lên, bú mẹ nhiều và giảm ăn dặm xuống một chút. Mình chia thành nhiều bữa ăn nhỏ cho con vì lúc ốm, con thường biếng ăn. Mình quan sát nhiều về hành vi của con, nếu con sốt cao mà vẫn hoạt động tốt thì không đáng lo".

Trẻ em đi du lịch xa, thay đổi nhiệt độ, thời tiết còn dễ bị ho, sổ mũi. Mỗi lần con bị như thế, Hương Ly kiên trì chữa theo bài thuốc dân gian với đường phèn trộn quất nguyên hạt và lá húng xoăn đem hấp cách thủy. Bé uống 2-3 lần một ngày và rất nhanh khỏi. Nếu không có điều kiện làm theo cách này, mẹ Nhi Bun lại ngâm sẵn một lọ chanh đào mật ong để cho con dùng khi cần. 

Tuy nhiên, bài thuốc thứ hai chỉ dùng với bé trên một tuổi. "Từ nhỏ đến giờ, bé gần hai tuổi, bé mới chỉ sốt đúng ba lần, bị ho 3-5 lần gì đó và rất hiếu động, cùng bố mẹ đi chu du khắp mọi miền Tổ Quốc, từ Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp bố mẹ có một cái nhìn khác về việc chăm con khi ốm. Thời gian đầu có thể hơi vất vả một chút nhưng nếu kiên trì, xử lý đúng thì cả bố mẹ và con sẽ đều có quãng thời gian thoải mái, vui vẻ, quan trọng là con lớn lên khỏe mạnh, lanh lợi, sau này con ít ốm thì bố mẹ cũng sẽ nhàn hơn rất nhiều", chị Hương Ly chia sẻ.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ