(GD&TĐ) - Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với dân số 1.300.000 người (người Kinh chiếm 65%, dân tộc Khmer chiếm 30% dân số, khoảng 400.000 người và dân tộc Hoa 5%, khoảng 65.000 người. Tỉnh có 9 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố với 109 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 39 xã đặc biệt khó khăn và 33 xã khu vực II với 98 ấp đặc biệt khó khăn.
Học sinh chăm chú tìm hiểu sách và truyện ngấn dân gian. Ảnh: Minh Hằng |
Sóc Trăng có ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sống chan hòa, gần gũi, xen kẽ lẫn nhau, tạo nên sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá riêng của dân tộc mình. Đồng bào dân tộc Khmer thường sống tập trung thành những phum, sóc.
Từ lâu, đồng bào dân tộc Khmer sống bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa nước, hoa màu, có nhiều nghi lễ liên quan đến vụ mùa, nhiều tập tục thể hiện nếp sống văn hoá nông nghiệp đã được hình thành và ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Khmer.
Tính đến cuối năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh có 577 trường từ MN đến THPT (MN 126, TH 304, THCS 113, THPT 34); Toàn tỉnh có 264.239 HS (MN 47.400 cháu, TH 122.993 HS, THCS 66.194 HS, THPT 27.706 HS). Trong đó, học sinh dân tộc Khmer từ mầm non đến THPT là 75.121 HS (kể cả HS các trường PTDTNT), chiếm tỷ lệ 29% học sinh toàn tỉnh. Riêng học sinh dân tộc Hoa, có 11.531 học sinh, chiếm tỷ lệ 4.4%.
Ngoài ra, tỉnh có 09 trường PTDTNT với 2.417 học sinh (THPT 18 lớp với 606 học sinh; THCS 59 lớp với 1.811 học sinh), chiếm tỷ lệ 11,12% học sinh dân tộc Khmer (trung học) được học ở các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh.
Một số tình hình giáo dục vùng dân tộc và những thành công cơ bản trong những năm qua: Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo, quản lý và có nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như:
+ Giáo dục MN đã thực hiện chăm sóc theo chương trình đổi mới, triển khai thực hiện chương trình làm quen và tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS; mạng lưới trường, lớp, được củng cố và phát triển đến cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; Giáo dục TH đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng; tỷ lệ học sinh DTTS huy động đến lớp đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt trên 90%, nhiều nơi đạt 100%. Số lượng học sinh dân tộc theo học ở các trường THCS và THPT tương đối ổn định.; hệ thống trường PTDTNT cơ bản phủ kín các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (từ 10.000 người dân tộc trở lên).
Nhờ có quan điểm, chủ trương đúng đắn nên việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc đạt được những kết quả thiết thực, đem lại sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từng bước nâng cao dân trí, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc, ổn định an ninh chính trị.
+ Nhu cầu giáo dục văn hoá của học sinh
Hiện nay, hầu hết, phụ huynh và học sinh dân tộc thiểu số có nhu cầu được tiếp tục học tiếng dân tộc trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh sóc Trăng nhằm bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/10/2010 của Chính phủ. Đồng thời, luôn mong muốn được giáo dục về những phong tục tập quán, ý nghĩa của những lễ hội, những nét văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS nói chung và của dân tộc Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
- Một số công tác trọng tâm đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua:
+ Tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Khmer và tiếng Hoa). Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 167 trường vùng đồng bào dân tộc có dạy tiếng Khmer với 1.706 lớp, có 41.768 HS học tiếng dân tộc Khmer ở các cấp, trong đó: tiểu học 127 trường với 31.088 học sinh, THCS có 36 trường với 9.211 HS, THPT có 04 trường với 884 HS; đối với dạy tiếng Hoa, tỉnh có 06 trường tiểu học, 38 lớp với 952 học sinh dân tộc Hoa học tiếng Hoa trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
+ Tổ chức giáo dục văn hoá dân tộc trong hệ thống các trường PTDTNT
Hiện nay, tất cả các trường PTDTNT đều giáo dục cho HS biết sử dụng loại nhạc cụ ngũ âm và trống sadăm; chọn những tác phẩm bài hát, những điệu múa cơ bản, đặc trưng của dân tộc Khmer, các trò chơi dân gian, các phong tục tập quán để dạy cho tất các học sinh của trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vào các dịp lễ, hội của đồng bào dân tộc để tuyên truyền giáo dục học sinh hiểu về những truyền thống văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc.
+ Tổ chức giáo dục văn hoá dân tộc trong các trường phổ thông với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã biên soạn cuốn tài liệu “Di tích văn hóa – lịch sử tỉnh Sóc Trăng” đưa vào sinh hoạt, giảng dạy cho học sinh.
Đây là cuốn tài liệu giới thiệu về vùng đất và con người Sóc Trăng với những nét đốc đáo riêng thể hiện bản sắc văn hoá của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và giới thiệu những địa danh nổi tiếng như Khu căn cứ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Đình Hòa Tú, Chùa Dơi, Chùa Khleang, đền thờ Bác Hồ ở Cù Lao Dung…
Đồng thời, Ngành cũng chọn những nội dung trong tài liệu “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng”, vào giảng dạy trong các tiết học nội dung giáo dục địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định; triển khai có hiệu quả tài liệu địa phương tỉnh Sóc Trăng do Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn ở các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy và học tập các nội dung về giáo dục địa phương; phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền giáo dục học sinh các cấp về giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc và ý nghĩa lịch sử các di tích.
+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên về văn hoá, tiếng dân tộc. Toàn tỉnh, hiện có có 349 giáo viên (TH 263 GV, THCS 81 GV, THPT 05 GV). Giáo viên dạy tiếng Hoa có 43 giáo viên; trong đó, có 17 giáo viên dạy chuyên trách và 26 giáo viên dạy kiêm nhiệm.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh để phối hợp với trường ĐH Trà Vinh mở được 01 lớp đào tạo giáo viên có trình độ Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam bộ cho 55 học viên là giáo viên đang dạy tiếng Khmer tại các trường THCS, THPT vùng đồng bào dân tộc và các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí do Sở Giáo dục và Đào tạo chi trả. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho hầu hết giáo viên dạy tiếng dân tộc Khmer ở các cấp học.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường PTDTNT có giáo viên hướng dẫn các em sinh sử dụng tốt Ngũ âm và trống sadăm. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghệ thuật của tỉnh và các nghệ nhân mở lớp đào tạo cho giáo viên và mỗi trường một đội học sinh biết sử dụng các loại nhạc cụ này để dạy và tập huấn lại cho các em học sinh của trường. Đến nay, hầu hết các trường PTDTNT đều biết sử dụng các loại nhạc cụ này và thường xuyên biểu diễn, phục vụ vào các dịp lễ hội.
Ngoài ra, Sóc Trăng cũng là tỉnh có nhiều CB, GV là tác giả tham gia biên soạn Bộ SGK tiếng Khmer từ quyển 1 đến 7 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ chì.
+ Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu
Mặc dù ngân sách dành cho ngành giáo dục vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng đầu tư mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác giảng dạy, đầu tư CSVC, mỗi trường đều có thư viện, phòng truyền thống trưng bày những trang phục, vật dụng đặc trưng của đồng bào dân tộc, mua sắm cho mỗi trường 1 bộ ngũ âm, 1 bộ trống sadăm (mỗi bộ trị giá trên 80 triệu đồng). Riêng đối với tài liệu, sách báo, tất cả các trường đều được cung cấp miễn phí theo định kỳ.
Đánh giá chung về thành tích
- Mặt làm được:
+ Đối với công tác dạy chữ dân tộc, từ khi Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ ra đời. Đây là cơ sở pháp lý, là chủ chương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp nên công tác dạy và học tiếng DTTS ở các trường phổ thông cũng như việc nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển;
+ Mạng lưới trường lớp vùng đồng bào dân tộc được đầu tư phát triển, chất lượng giáo dục dân tộc được nâng lên đáng kể, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông của trường DTNT tỉnh năm 2012 và 2013 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% và hai năm liên tục đều có học sinh dân tộc Khmer đỗ thủ khoa TN THPT.
- Hạn chế:
Bên cạnh những kết quả trên, công tác nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn không ít những hạn chế, như: Do đời sống kinh tế của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Từ đó, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đến việc học hành của con em, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các cấp học; số lượng học sinh ở các cấp học càng lên cao càng giảm;
Việc đầu tư hệ thống giáo dục mầm non đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, dẫn đến sự phát triển chưa đồng đều giữa nông thôn và thành thị;
Việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở một số nơi vẫn còn thiếu giáo viên; việc giáo dục văn hoá dân tộc cho các học sinh bước đầu hiệu quả chưa cao.
- Kiến nghị
Trong thời gian tới để tạo điều kiện tốt hơn việc nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá bản sắc dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo:
+ Tiếp tục hỗ trợ tăng cường CSVC, kinh phí thông qua chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng dân tộc thiểu số;
+ Sớm biên soạn sách giáo khoa tiếng Paly sơ cấp để đưa vào giảng dạy thống nhất tại các chùa Khmer; biên soạn sách giáo khoa tiếng Hoa đưa vào dạy thống nhất trong các trường phổ thông có dạy tiếng Hoa;
+ Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Hoa, giáo viên dạy tiếng Paly.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng