(GD&TĐ) - Hội nghị lần thứ 2 quan chức cấp cao Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về giáo dục cơ bản được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 18 – 20.10 tại Đà Nẵng với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục hòa nhập tại các nước Đông Nam Á”. Có gần 100 đại biểu đại diện quan chức cấp cao SEAMEO về giáo dục cơ bản của các nước thành viên và thành viên liết kết của SEAMEO, Ban thư ký SEAMEO, đại diện các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
>>>Tham vấn thành lập Trung tâm khu vực về học tập suốt đời của SEAMEO
Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng
Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển thì Hội nghị quan chức cấp cao SEAMEO lần này bàn đến một trong những vấn đề cơ bản và cũng là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với GD các nước Đông Nam Á đó là Giáo dục hòa nhập (GDHN) trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhằm hướng tới một nền GD có chất lượng và đảm bảo cơ hội tiếp cận GD bình đẳng với mọi đối tượng, đảm bảo công bằng xã hội trong GD.
TS Witaya Jaradecakul - Giám đốc Ban thư ký SEAMEO cho rằng Hội nghị là cơ hội gắn kết thường xuyên và tích cực giữa quan chức cấp cao Bộ GD các nước Đông Nam Á; là cơ hội để các nước nhìn nhận, chia sẻ kinh nghiệm trong GDHN. Từ năm 2008, SEAMEO thực hiện 10 dự án đa quốc gia, hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không được tiếp cận với giáo dục. Nhằm hỗ trợ các chương trình hòa nhập, SEAMEO xác định một loạt chiến lược ưu tiên: GD cho mọi người, GD mầm non, GD chuyên biệt, GD khẩn cấp, GD suốt đời… trong đó, GDHN sẽ là trọng tâm trong các chương trình mục tiêu của các quốc gia Đông Nam Á. TS Witaya Jaradecakul cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng chương trình GDHN, để các trẻ khuyết tật đều được đến trường, tăng cơ hội học tập cho đối tượng trên.
GDHN hướng tới việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau của trẻ em bằng cách giảm các rào cản trong môi trường học tập và sinh hoạt của trẻ em. GDHN hướng tới mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, trẻ em gái, trẻ em đường phố, trẻ em dân tộc thiểu số… Là một trong những giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu khẳng định tại Công ước về quyền của trẻ em, Những mục tiêu thiên niên kỷ và Giáo dục cho mọi người, GDHN là một cách mở rộng cơ hội tiếp cận trường lớp cho tất cả các trẻ em, nhất là trẻ em có xu hướng không đến lớp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc tại Hội nghị |
Để thúc đẩy sự phát triển của GDHN cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong thời gian qua, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác đã có nhiều cố gắng phát triển GDHN cho các đối tượng khó khăn, thể hiện trên các phương diện: Hoạch định chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường CSVC, thiết bị và công tác nghiên cứu GDHN… và đã đạt được những thành tựu bước đầu trong việc xây dựng một môi trường tiếp cận giáo dục bình đẳng và chất lượng cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng.
Kinh nghiệm của Việt Nam
Tại Việt Nam, hệ thống trường lớp, thiết bị dạy học đã đáp ứng nhu cầu học tập của HS các dân tộc ở vùng núi cao, vùng xa, hải đảo. Chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng nhà công vụ cho GV, các dự án ODA cho GD đều ưu tiên phát triển GD miền núi, GD dân tộc. SGK được cung cấp đủ cho mọi HS và được phát miễn phí cho HS có khó khăn đặc biệt. Đặc biệt, tài liệu và thiết bị dạy học đặc thù cho HS khuyết tật, HS dân tộc chưa biết tiếng Việt, HS lớp ghép được ngành GD quan tâm, đáp ứng đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Ngành GD Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm xóa bỏ rào cản ngôn ngữ cho HS dân tộc thiểu số, hỗ trợ lương GV dạy cả ngày ở vùng dân tộc, hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường cho HS tiểu học. Tỉ lệ HS khuyết tật đi học tăng nhanh với phương thức GD chủ đạo là GDHN. Trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, trẻ em xa nhà… đã được tổ chức học tại các lớp học linh hoạt, phù hợp về nội dung, phương pháp dạy học và cách đánh giá.
Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, một số lĩnh vực sẽ được giáo dục Việt Nam ưu tiên nhằm đẩy mạnh GDHN như: xây dựng hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN và chính sách ưu tiên về GD đối với người khuyết tật; phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; nâng cao chất lượng công tác phổ cập GD Tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập THCS; đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng và tiếp tục thực hiện chương trình xóa mù và GD sau biết chữ.
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 2 Quan chức cấp cao SEAMEO về giáo dục cơ bản chụp ảnh kỷ niệm. |
Thách thức của công tác GDHN
Dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác GDHN, nhưng các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức và khó khăn. Những rào cản của việc tiếp cận một nền GD bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm giải quyết.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những thách thức đó thể hiện trên một số phương diện chủ yếu như: nhận thức của cộng đồng về GD hòa nhập; chất lượng đội ngũ CBQL và GV dạy hòa nhập; môi trường học tập, sinh hoạt của trẻ học hòa nhập; vấn đề chính sách, cơ chế; chương trình, tài liệu, CSVC, thiết bị phục vụ GDHN; việc huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội…
Để vượt qua những thách thức đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi quốc gia, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, việc chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Ngoài việc giới thiệu những nét cơ bản về thực trạng GDHN trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của các nước thành viên và thành viên liên kết của SEAMEO, Hội nghị lần này còn là sự chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất hướng liên kết, hợp tác về GDHN trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giữa các quốc gia Đông Nam Á, cũng như giữa khu vực với các nước khác trên thế giới.
Ánh Ngọc