Kinh nghiệm gảng dạy môn Tập làm văn

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục (đặc biệt là cấp Tiểu học) đã có nhiều đổi mới về chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học.

Kinh nghiệm gảng dạy môn Tập làm văn

Những phương pháp dạy học CCM, mô hình VNEN ...đã thực sự phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Tuy nhiên việc dạy và học môn tiếng Việt còn có những hạn chế đó là vẫn thiên về lý thuyết, xa rời thực tiễn, chưa thực sự là "gợi mở, giúp cách học, cách tiếp cận, cách phân tích và tổng hợp, giải quyết vấn đề, nhằm phát triển năng lực".

Khắc hạn chế này, cô Cao Thị Thanh Hân – Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai chia sẻ một vài kinh nghiệm cần lưu ý về phương pháp dạy tập làm Văn.

Phát huy tính sáng tạo của học sinh

Đối với những bài tập có hệ thống câu hỏi gợi ý trả lời, để phát huy tính sáng tạo của học sinh thì ngoài hệ thống các câu hỏi đó, giáo viên đặt thêm các nhóm câu hỏi hoặc yêu cầu học sinh đặt các câu hỏi khác sau đó trả lời.

Ví dụ: Bài Tập làm Văn tuần 20- SGK Tiếng Việt 2 tập 2 trang 21. Viết một đoạn văn từ 3 đến 5 câu nói về mùa hè. Nếu chỉ hướng dẫn trả lời theo 4 câu hỏi SGk thì đoạn văn của các em sẽ giống nhau.

Muốn có được nhiều đoạn văn khác nói về mùa hè, thì có thể thực hiện theo các cách sau:

Cách 1: Giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài theo nhóm và có hệ thống câu hỏi khác nhau.

+ Nhóm 1: Các câu ở SGK.

Mùa hè bắt đầu từ tháng nào trong năm?

Mặt trời mùa hè như thế nào?

Cây trái trong vườn như thế nào?

Học sinh thường làm gì vào mùa hè?

+ Nhóm 2:

Em thường làm gì khi mùa hè về?

Dấu hiệu nào cho biết mùa hè đã đến?

Những quả gì thường chín vào mùa hè?

Em có yêu mùa hè không? Vì sao?

+ Nhóm 3:

Em thấy mùa hè như thế nào?

Những con vật nào cho biết tiếng báo hiệu mùa hè?

Em thích ăn gì và thường làm gì vào thời tiết mùa hè?

Tại sao em lại thích mùa hè?

Nhưng để công bằng giữa các nhóm thì mỗi nhóm có một câu hỏi sách giáo khoa và 3 câu hỏi khác của giáo viên. Với cách làm này thì chia lớp thành 4 nhóm.

Với cách này, học sinh được trả lời nhiều câu hỏi về mùa hè. Khi viết có thể các em sẽ viết theo những ý trả lời các câu hỏi của nhóm mình nhưng cũng có thể các em lấy ý trả lời của nhóm khác ghép với một số ý trả lời của nhóm mình. Như vậy, một lớp có nhiều đoạn van khác nhau.

Cách 2: Yêu cầu mỗi học sinh tự đặt 4 câu hỏi nói về mùa hè sau đó trả lời.

Với cách này, lớp học sẽ có nhiều đoạn văn khác nhau theo ý hiểu của các em từ thực tế cuộc sống về mùa hè.

Tùy theo đối tượng học sinh để ta tiến hành thực hiện. Nếu học sinh biết tự đặt câu hỏi sau đó trả lời thì sẽ phát huy được tính sáng tạo hơn. 

Việc giáo viên chia nhóm và có hệ thống câu hỏi khác nhau hoặc yêu cầu học sinh tự đặt câu hỏi sau đó trả lời sẽ khắc phục tình trạng học thuộc theo các ý trả lời của cô, sẽ có nhiều đoạn văn mang dấu ấn cá nhân, từ đó ta đánh giá chính xác năng lực học sinh.

Tương tự như vậy có thể khuyến khích học sinh đặt các câu hỏi về mùa xuân, mùa đông, mùa thu. Như vậy từ kĩ năng viết đoạn văn nói về màu hè các em sẽ có thêm đoạn văn viết về các mùa. 

Nếu các em có ý thức để viết đoạn văn về một mùa nào đó khác (ngoài mùa hè như yêu cầu của bài tập) thì giáo viên khuyến khích, biểu dưong, hoặc có thể cho điểm để khích lệ học sinh.

Giáo viên gợi ý, học sinh thực hiện

Cô Cao Thị Ngọc Hân (ngoài cùng bên trái) - đến thăm và kiểm tra tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai)
 Cô Cao Thị Ngọc Hân (ngoài cùng bên trái) - đến thăm và kiểm tra tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai)

Từ việc trả lời các câu hỏi và viết bài theo gợi ý của một đề cụ thể, giáo viên đặt câu hỏi để học sinh rút ra những yêu cầu chung nhất cho kiểu bài.

Ví dụ: Phần tập làm văn sgk Tiếng Việt lớp 3- tập 1 trang 68 có 2 yêu cầu

Yêu cầu 1. Kể về người hàng xóm mà em yêu quý.

Câu hỏi gợi ý:

a, Người đó tên là gì, bao nhiêu tuổi

b, Người đó làm nghề gì?

c, Tình cảm của gia đình em đối với người hàng xóm như thế nào?

d, Tình cảm của người hàng xóm đối với gia đình em như thế nào?

Yêu cầu 2. Viết những điều em vừa kể thành một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu)

Với bài tập trên, ngoài việc phát huy tính sáng tạo của học sinh qua việc yêu cầu đặt các câu hỏi khác và trả lời (giống như cách làm ở mục 1 phần II) thì giáo viên cần khái quát chốt kiến thức từ bài Kể về người hàng xóm mà em yêu quý thành những yêu cầu chung khi kể về người để khi giáo viên ra đề kể về bất cứ ai các em cũng viết được.

Ví dụ: Có thể đặt câu hỏi: Các em vừa viết một đoạn văn kể về người xóm yêu quý. Vậy khi kể về một người thì chúng ta kể những gì? Học sinh sẽ rút ra đựoc những ý cơ bản khi kể về người, đó là:

- Tên, tuổi

- Nghề nghiệp

- Sở thích, tính tình

- Tình cảm của người đó đối với em và của em đối với người đó.

Khi các em nắm được những yêu cầu cơ bản thì khi gặp bất cứ đề nào theo kiểu bài đó các em đều làm được vì đã biết phương pháp làm bài.

Nếu chỉ đi sâu vào lập dàn ý chi tiết cụ thể cho một đề mà không biết khái quát thành hướng chung thì học sinh sẽ gặp khó khăn khi gặp một đề khác cùng kiểu bài ấy (chúng ta quan tâm hướng dẫn phương pháp, kĩ năng làm bài cho học sinh, tránh trường hợp chỉ quan tâm cung cấp về kiến thức).

Mặt khác khi học sinh nắm chắc được các ý cơ bản cần viết trong một dạng đề thì khi làm bài các em sẽ cân đối thời gian cho từng ý, bài văn sẽ đảm bảo tính toàn diện, không bị thiếu mà đảm bảo theo chuẩn kiến thức kĩ năng. Còn bài viết nông hay sâu, lời văn như thế nào còn phụ thuộc vào các em.

Cần lưu ý cho học sinh khi tả người và tả vật phải biết dùng từ, hình ảnh cho phù hợp. Ví dụ “Cô ấy cao 1,6 m”. Cái bút chì này dài 30 cm. Không thể nói cô ấy dài 1,6 m”. 

Cũng từ việc so sánh đối chiếu trên, giáo viên hướng cho học sinh sự liên tưởng từ tả đồ vật sang con người để có những câu văn so sánh, nhân hoá …tạo sự sinh động gọi cảm cho bài văn.

Ví dụ như tả đồ vật “Cái bút này như người bạn thân của em”. “Bút cũng cảm thấy buồn khi em không giữ gìn cẩn thận”. 

Nếu học sinh viết: “Cái ti vi này đã 5 tuổi rồi.” chính là học sinh đã sử dụng phép nhân hoá. Và qua câu viết của học sinh, ngoài việc hiểu cái ti vi đã mua được 5 năm, ta còn thấy học sinh tình cảm yêu quý của em đối với đồ vật đang tả, coi vật như người.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi nhà trường không chỉ trang bị cho học sinh những kiến thức đã có của nhân loại mà còn phải bồi dưỡng, hình thành ở học sinh tính năng động, óc tư duy sáng tạo và kĩ năng thực hành áp dụng, tức là đào tạo những người lao động không chỉ có kiến thức mà phải có năng lực hành động, kĩ năng thực hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ