Mấy tuần nay, chồng luôn nghe điện thoại của vợ cũ, khiến Thủy rất khó chịu.
Do đặc thù công việc là một trợ lý thẩm phán nên tôi từng chứng kiến nhiều vụ ly hôn mà đa số trong đó cả hai đều bị tổn thương nặng nề. Tại tòa, họ chửi bới, dùng những lời lẽ thậm chí hành động không hay ho để nói về nhau khi đối phương thay lòng đổi dạ. Nhìn vào những hình ảnh khi đó, có lẽ chẳng ai nhớ được họ cũng từng có thời yêu đương say đắm, quyết định cùng nhau về chung một mái ấm.
Tuy nhiên, câu chuyện của anh chị thì khác. Anh chị gặp nhau ở tòa trong sự bình yên khiến người khác phải kinh ngạc. Anh chị quyết định ly hôn sau 6 năm về chung một nhà, có một đứa con trai, có nhà cửa, xe cộ đủ cả.
Nếu thoáng qua, ai cũng nghĩ đây là một gia đình kiểu mẫu mà không biết rằng có những cơn sóng ngầm cuốn người trong cuộc đi xa nhau vạn dặm.
Ly hôn không đồng nghĩa với kết thúc (Ảnh minh họa: H.T).
Chị tâm sự, từ khi cưới đến lúc ra tòa hai vợ chồng chị chưa từng to tiếng cãi vã. Anh có công việc bận rộn, bao năm nay việc hai mẹ con chị ngồi chờ anh về ăn tối như một thao tác lập trình sẵn trong cuộc sống hàng ngày. Thế rồi, chị không muốn chờ anh về nữa, chẳng phải do anh hay chị có người thứ 3 mà là vì anh không còn dành thời gian cho mẹ con chị nữa.
Hai anh chị ly hôn chóng vánh. Khi cuộc hôn nhân đến hồi kết, không mấy người trong cuộc giữ được bình tĩnh và sự tỉnh táo, họ thường mang tâm lý chỉ muốn rời xa đối phương càng nhanh càng tốt, giành giật lấy những quyền lợi dù là nhỏ nhất.
Trường hợp của anh chị không thế, anh đề nghị để lại tất cả nhà cửa, xe cộ cho hai mẹ con chị. Còn chị lại từ chối và chỉ muốn nhận phần thuộc về hai mẹ con, bản thân chị cũng không muốn anh cơ cực sau khi hai người chia tay.
Sau ly hôn, cuộc sống của chị không bị xáo trộn quá nhiều. Có lẽ, do bao năm tháng qua chị đã quen sẵn với cuộc sống độc lập chỉ có hai mẹ con, cũng chẳng phụ thuộc anh về kinh tế.
Chị nhanh chóng quen với cuộc sống chỉ có hai mẹ con, tự tìm cho mình thú vui khác trong cuộc sống như có thời gian lê la với lũ bạn thân hồi đại học, mua sắm những gì chị thích, chẳng còn phải căng thẳng, nhìn ý chồng mà cư xử, cũng không còn phải gồng gánh trên vai cả trách nhiệm với gia đình nhà chồng vì vị trí con dâu trưởng.
Ai cũng nhận thấy giờ đây cuộc sống của chị vô cùng nhẹ nhàng, đặc biệt tỏa ra từ chị là một nguồn năng lượng tràn trề, không hề vướng chút ủ rũ hay than phiền.
Phần anh, đơn giản là xách một vali quần áo rời khỏi căn nhà nơi anh đã sống suốt 6 năm qua. Mỗi tuần anh vẫn về thăm con những lúc anh muốn, anh rảnh.
Lạ kỳ, sau ly hôn anh lại dành cho mẹ con chị nhiều thời gian hơn, anh thường xuyên lui tới căn nhà cũ của hai vợ chồng, dùng bữa tối cùng mẹ con chị, thậm chí ở lại ngủ cùng con.
Vài năm nay, anh chưa từng đưa vợ đi uống trà sữa như hồi yêu nhau, cũng chẳng quan tâm chị mặc váy gì, đi giày size bao nhiêu, thích ăn món gì... Thế mà hôm qua, sau nửa năm tòa án chính thức công nhận họ ly hôn, anh lại bất ngờ đề nghị đưa chị đi uống trà sữa, đưa con đi nhà sách rồi đi chợ mua đồ về nấu bữa tối cho hai mẹ con chị.
Có lần, tôi hỏi chị: “Tại sao hai người có thể cư xử với nhau nhân văn đến vậy?”. Chị bảo: “Chia tay là điều không ai muốn nên nếu có thể, hãy giữ lại cho nhau chút tình nghĩa. Bởi trước khi đổ vỡ vợ chồng từng có những giây phút hạnh phúc mà minh chứng rõ nhất là đứa con chung hiện tại”.
Nhìn vào anh chị, biết đâu ly hôn không đồng nghĩa với kết thúc mà chỉ là một chặng tạm nghỉ trên con đường hôn nhân. Và biết đâu, cư xử tình nghĩa sau ly hôn cũng là cho nhau cơ hội quay về…