Ngày 20/10, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã bắt quả tang cơ sở chế biến chà bông bẩn lẫn hóa chất độc hại của ông Đoàn Văn Thương (SN 1972, quê Ninh Bình, ngụ trên đường Sư Đoàn 9, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở sản xuất thực phẩm chà bông của ông Thương trong điều kiện hết sức mất vệ sinh. Chà bông được đổ ngay trên nền đất, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số công nhân tham gia chế biến chà bông đều trong điều kiện không có bảo hộ lao động, dụng cụ dơ bẩn, sử dụng tay không làm thịt,...
Trong khoảng thời gian phơi, sấy, chủ cơ sở cũng đề trên nền nhà đầy bụi bám vào. Chân của công nhân liên tục đi lại, dẫm đạp lên chà bông rất mất vệ sinh.
Chà bông để trên nền đất đầy bụi (ảnh: cơ quan chức năng cung cấp)
Ngoài ra, đề tăng trọng lượng cho chà bông, chủ cơ sở đã trộn bột mì không rõ nguồn gốc trộn với thịt gà thối một cách điệu nghệ để đánh lừa người tiêu dùng. Một điều vô cùng bất nhân ở đây là nếu làm cho gia đình mình ăn thì chủ cơ sở sẽ làm riêng vô cùng sạch sẽ, không có hóa chất.
Toàn bộ số chà bôn bẩn sẽ đem đi tiêu hủy
Sau khi kiểm tra, bắt quả tang sự việc như vậy, Đoàn Kiểm tra Liên ngành huyện Bình Chánh hỏi về giấy phép hoạt động thì chủ cơ sở này không xuất trình được. Chính vì thế, sau khi kiểm tra xong, cơ quan chức năng đã đình chỉ đối với cơ sở sản xuất này, yêu cầu dừng ngay hoạt động.
Toàn bộ tang vật gồm gần 800 kg chà bông và 20 kg đường hóa học do Trung Quốc sản xuất, 12kg bột mì không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ được tổ chức tiêu hủy. Đồng thời, chủ cơ sở còn bị phạt hành chính do không có đăng ký kinh doanh, nguyên liệu không có giấy chứng nhận kiểm dịch, cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh.
Được biết, cơ sở sản xuất chà bông của ông Đoàn Văn Thương hoạt động nhiều năm nay. Nhiều lần, cơ sở của ông không hợp vệ sinh đã bị chính quyền địa phương cũng như người dân trong vùng nhắc nhở. “Tuy nhiên, ông ấy vẫn không thay đổi, tiếp tục sản xuất chà bông bẩn. Người dân chúng tôi ở đây chẳng ai dám ăn chà bông của ông ấy. Tuy nhiên, con cháu ở xa thì làm sao biết. Chính vì thế, chúng tôi bèn gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết,…”, một người dân địa phương bày tỏ.