Kiểu “hậu phương” khiến “tiền tuyến” thất bại

Khi một người đàn ông thất bại trong sự nghiệp, nếu sau lưng anh ta là một người vợ đảm đang, biết thấu hiểu và cảm thông cho chồng, anh ta có thể gượng dậy làm lại từ đầu rất nhanh. Còn ngược lại, rất có thể người đàn ông đó sẽ suy sụp mãi mãi. Câu chuyện của tôi là một ví dụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi theo nghề xây dựng từ lúc trẻ. Đến năm 30 tuổi, tôi tích cóp tiền bạc, mở công ty. Công ty phát triển khá tốt, thu nhập ổn định. Đến năm 33 tuổi, tôi lập gia đình. Vợ tôi làm nhân viên văn phòng, lương tháng chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng. 

Lúc lấy nhau, tuy thu nhập từ công ty của tôi đã đủ lo cho gia đình nhưng tôi vẫn khuyến khích vợ tiếp tục đi làm để có thêm niềm vui. Làm được bao nhiêu tiền, tôi đưa hết cho vợ. Lương hàng tháng của vợ, cô ấy giữ lại để chi tiêu cá nhân. Mọi chuyện tưởng cứ tốt đẹp như thế mãi, có ai ngờ…

Hai năm trước, khi thị trường xây dựng đang ảm đạm thì công ty được giới thiệu một hợp đồng thi công. Hợp đồng này cần vốn rất lớn, có phần vượt quá khả năng của công ty tôi. 

Nhưng đang cần việc, lại không cưỡng được trước mức giá hợp đồng khá hấp dẫn, tôi quyết định làm liều, tặc lưỡi đặt bút ký hợp đồng. Thiếu vốn, tôi phải gom góp hết tiền bạc tích cóp bao nhiêu năm, vay mượn thêm của bạn bè và người thân.

Tôi đã tính toán kỹ lưỡng, sáu tháng sau, khi hoàn thành công trình, khách hàng thanh toán đủ, tôi sẽ có tiền trả các khoản nợ đã mượn và còn dư ra một khoản lời rất lớn. Tuy nhiên, khi tôi gần hoàn thành công việc thì nhận được một tin sét đánh. 

Công ty khách hàng của tôi vỡ nợ, mất khả năng thanh toán. Hạn trả nợ đã đến, cực chẳng đã, tôi phải bán tống bán tháo đám máy móc, thậm chí sang lại công ty với giá rẻ mới đủ tiền trả. Chỉ một thời gian ngắn, từ một người thành đạt, tôi trở thành kẻ trắng tay…

Thất bại trong sự nghiệp làm tôi buồn một, thì cái cách vợ tôi đối xử với chồng sau thất bại làm tôi buồn mười, buồn trăm. Hơn một năm nay, tôi sống ở nhà mà như sống trong địa ngục, chịu nhục đủ điều.

Sau sự cố đó, chi phí cho cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của cô ấy. Tôi cũng ý thức được vì lỗi của tôi mà gia đình khó khăn, vợ tôi phải vất vả gánh gia đình. Tôi cố gắng phụ vợ việc nhà. 

Tôi học cách đi chợ trả giá, học cách nấu ăn, lo quét nhà, lo giặt giũ, dọn dẹp… để đỡ bớt phần nào mệt nhọc cho vợ. Tôi vẫn kiên nhẫn chờ một cơ hội để gượng dậy, làm lại từ đầu. Tuy nhiên, vợ tôi dường như vô cảm với mọi cố gắng của chồng.

Thay vì động viên, an ủi, vợ tôi lại không tiếc lời chì chiết, trách móc. Lâu lâu, cô ấy lại buông mấy câu bâng quơ, đại loại như: “ Chả hiểu làm ăn kiểu gì mà tiền bạc mất sạch, làm khổ vợ con!”, “Giờ cả nhà này phụ thuộc vào tôi, sao mà lo cho nổi đây?”.

Giờ, mọi chi tiêu cá nhân tôi phải ngửa tay xin tiền vợ. Biết thân biết phận, tôi cũng chẳng dám xin nhiều. Vậy mà cô ấy đưa tiền cho tôi cứ như bố thí ăn mày. 

Vừa đưa 50 ngàn đổ xăng, vợ tôi vừa nhiếc móc: “Ăn ở không mà còn chạy xe nhong nhong hoài, tốn tiền xăng muốn chết”. Hội bạn cũ mời đi ăn, tôi tính đi, mong gặp người này người kia, mong tìm việc mới hay một cơ hội kinh doanh để làm lại từ đầu…

Biết đám bạn chẳng để tôi trả tiền, nhưng cũng phải xin vợ vài trăm bỏ túi. Vậy mà cô ấy mắng tôi té tát: “Đã không có tiền còn bày đặt ăn nhậu!”. 

Con giun xéo lắm cũng quằn, mấy lần tôi mắng lại cô ấy. Hễ lần nào tôi phản kháng, vợ tôi đều đối phó lại bằng một chiêu rất độc: cúp tiền. Có lần, cô ấy còn cắt tiền chợ, đến bữa ăn cô ấy ra ngoài ăn một mình, bỏ đói tôi cho bõ ghét.

Càng ngày tôi càng thấy mình như một kẻ thừa, một kẻ ăn bám trong mắt vợ tôi. Chắc vợ tôi đang cần một cuộc ly hôn để rũ bỏ cái gánh nặng, để tự do tìm cho mình một người đàn ông khác đủ khả năng bảo bọc cô ấy. 

Một cuộc ly hôn cũng sẽ giúp tôi có cơ hội làm lại từ đầu, bởi lẽ chẳng thể nào vươn lên khi sống cùng mái nhà với một người phụ nữ như vậy…

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ