Đáng chú ý lắm bởi trường quyển này đặc tả phong cảnh và con người Việt Nam, nổi bật có Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng vua Trần Anh Tông.
Thuật ngữ mĩ thuật trường quyển/卷trỏ bức thư họa dài, cuộn tròn, thường được người ta đặt trên bàn, vừa mở, vừa xem, vừa cuốn lại cho có chỗ. Trường quyển gồm 3 phần:
1. Dẫn thủ (nhan đề);
2. Họa tâm (tranh thủy mặc);
3. Đà vĩ (thơ, kệ, kí, bình, tán được viết rất đẹp).
Dẫn thủ và họa tâm
Trường quyển này kích cỡ 961x28cm; riêng tranh chiếm diện tích 316x28cm. Họa phẩm tả thực Trúc Lâm đại sĩ tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông rời Vũ Lâm – hành cung trong núi Tràng An, kề sông Ngô Đồng, nay thuộc xã Minh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình - vào mùa đông năm Giáp Thìn 1304. Trước khi về Yên Tử, ngài ghé kinh thành Thăng Long giúp trưởng nam là vua Trần Anh Tông thọ giới Bồ tát.
Tranh thủy mặc thể hiện 82 nhân vật: Đoàn của Giác Hoàng Điều Ngự gồm 21 người, đoàn của vua Trần Anh Tông gồm 61 người. Ngoài ra, tranh còn vẽ voi, ngựa, trâu bò, chim hạc, cùng nhiều cây cỏ…
Năm Canh Tý 1420, trường quyển này được Trần Quang Chỉ – sở hữu chủ tự xưng rằng người học đạo Phật nơi sông Lô, đó là một tôn thất nhà Trần lưu vong qua Trung Hoa sau vụ Hồ Quý Ly đảo chính – mời nhà thư pháp Trần Đăng (1362 - 1428) viết nhan đề lên phần dẫn thủ, gồm 8 chữ triện, chia 4 hàng dọc, mỗi hàng 2 chữ: “竹林大士出山之圖/Zhúlín dàshì chūshānzhī tú/Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ”.
Thiển nghĩ mọi người cần tôn trọng nhan đề/titre/title vừa dẫn, đừng cắt bỏ giới từ “chi”. Thậm chí, kẻ nọ người kia còn gọi “Trúc Lâm đại sĩ hạ sơn đồ” cực kỳ tùy tiện, hoàn toàn chẳng nên. Nếu cần thì hãy Việt dịch đoạn gọn hóa nhan đề: “Trần Nhân Tông rời núi”.
Tranh do ai vẽ, bao giờ?
Lâu nay, căn cứ lạc khoản trong trường quyển, nhiều người cho rằng 陳鑑如/Trần Giám Như vẽ “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” vào mùa xuân năm Quý Mão 1363, đời Nguyên.
Trần Giám Như ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, thuở ấy thoải mái đặc tả phong cảnh, con người mà nhân vật trung tâm là đấng minh quân và thiền sư đã lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng Nguyên Mông xâm lược những 2 lần. Nguyên nhân?
Để giải đáp câu hỏi ấy, hãy dựa vào sử học.
Tại Trung Hoa, năm Giáp Ngọ 1354, Trần Hữu Lượng (1320 - 1363) dấy binh khởi nghĩa chống nhà Minh, chiếm cứ Giang Tô và Hồ Quảng, xin hòa thân với nhà Trần. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc”. Ghi chú: Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc (1254 - 1329) là chú ruột của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trong khi đó, “Minh sử” lại cho rằng Trần Hữu Lượng là con của Trần Phổ Tài.
Thời Nguyên mạt Minh sơ, Trần Hữu Lượng – từng dời đô về Giang Châu, tự xưng Hán vương, rồi hoàng đế Đại Hán – tỏ rõ cảm tình với Đại Việt. Đất Hàng Châu thuở nọ thuộc quyền Trần Hữu Lượng cai quản, nên Trần Giám Như tha hồ vẽ các lãnh tụ tối cao ở đất nước phương Nam. Ngụ cư Trung Hoa niên đoạn 1315 -1341, Trần Giám Như phải chăng gốc gác xa xôi là Đại Việt?
Tuy nhiên, sách “Ngàn năm áo mũ/Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009 -1945” do Trần Quang Đức biên soạn (NXB Thế Giới. 2013) in phần “Đôi nét về “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”, thiếu chữ “chi”, có trích dịch cuốn “Liêu Ninh tỉnh bác vật quán tàng – Thư họa trước lục – Hội họa quyển” (NXB Mỹ thuật, Liêu Ninh, 1999): “Sách “Bỉ điện chu lâm” thời Thanh nhận định “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” là do Trần Giám Như vẽ, thực ra đã lầm. (...) Bức tranh tuy không phải tác phẩm của họ Trần, song xét từ phong cách hội họa, trang phục của nhân vật và các lời đề kí, đồ tán của nhiều danh nhân đầu thời Minh, về đại thể có thể xác định được niên đại của tranh. (…) bức tranh không thể muộn hơn thời Minh sơ, có thể truy lên đến cuối thời Nguyên”.
Nhân bản và chuyển thể
Tại Trung Hoa, đời Minh, tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” được nhà điêu khắc Trình Quân Phòng chuyển thể vào các nghiên mực bằng đá chu sa - khoáng vật có thành phần chính là sunfua thủy ngân (HgS). Đời Thanh, một số nghệ nhân sao lục tranh vào các nghiên mực bằng gốm sứ. Những hiện vật nọ lâu nay được giới sưu tầm cổ ngoạn ưa chuộng.
Tại Việt Nam, họa phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” cũng được nhân bản và chuyển thể, đây chỉ nêu một số.
Ở Hà Đông, Hà Nội, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chuyển thể thành tranh màu trên kính chịu lực.
Ở Đông Triều, Quảng Ninh, giám đốc nhà máy gỗ Cầu Cầm là Phạm Hữu Tiến chuyển thể thành phù điêu khảm gỗ gụ mật, thi công 6 tháng.
Ở Tiên Du, Bắc Ninh, nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh chuyển thể thành cặp bình gỗ khảm trai và tranh khảm trai trên gỗ hình chữ nhật.
Ở Sài Gòn, hiện có nhà sách bày bán trường quyển “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” được in trên giấy pipi đúng tỉ lệ 1:1 so với nguyên tác.
Ở Huế, nghiên cứu phiên bản đó, họa sĩ Lại Đình Vinh bố cục lại tranh nhằm dễ treo và tiện ngắm nghía, từ đó nhà sưu tập cổ vật Dương Đình Vinh thuê mướn các nghệ nhân cẩn xà cừ lên gỗ suốt 1 năm ròng, rồi chuyển vào Nam để giới thiệu tại Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” do Trường Đại học Văn Lang cùng Hội Mỹ thuật TPHCM phối hợp tổ chức trong hai ngày 28 và 29/10/2014.