(GD&TD)-Bộ Nội vụ cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2012..
Hiện nay, mức lương của CBCC còn thấp so với mặt bằng chung (ảnh MH) |
Hiện nay, theo đánh giá của Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), mức lương tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công chức từ 1/5/2011 (ở mức 830 nghìn đồng) gần bằng 60% vùng IV (vùng thấp nhất, kinh tế kém phát triển) và bằng 41,5% vùng I (vùng cao nhất, kinh tế phát triển) dẫn đến tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp cũng thấp.
Bộ Nội vụ sẽ kiến nghị nhiều biện pháp nhằm cải cách tiền lương. Trong đó có việc nâng mức lương tối thiểu để cán bộ, công chức, viên chức đủ sống bằng lương. Tiếp đó là mở rộng mối quan hệ lương tối thiểu - trung bình - tối đa cho phù hợp và ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới bảo đảm phù hợp với thứ bậc.
Chế độ phụ cấp lương cũng sẽ được sắp xếp lại, trên cơ sở đưa ra một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ phù hợp.
Bộ cũng dự định đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công lập theo hướng đơn vị sự nghiệp được thu phí (giá) dịch vụ; tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác.
Cũng theo Bộ Nội vụ, đến 31/12/2011 sẽ dừng tinh giản biên chế Nhà nước.
Tính đến 31/8/2011, theo kết quả thẩm tra thực hiện chính sách tinh giản biên chế (theo Nghị định 132 của Chính phủ năm 2007) thì tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 54 220 người.
Sau khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng lên đến 25%. Nếu năm 2000, tổng số biên chế công chức hành chính của cả nước mới hơn 200 nghìn người thì nay đã lên tới khoảng 260 nghìn người.
Nguyên nhân tăng biên chế được giải thích là do phải bổ sung biên chế cho các tổ chức mới thành lập, cơ quan, đơn vị hành chính mới…
Thảo Nguyên