Kiên cố hóa biến thành bê tông hóa

Kiên cố hóa biến thành bê tông hóa

(GD&TĐ) - Bê tông hoá quá đà khiến nhiều ngôi trường như những cái hộp. Sạch thì có sạch, nhưng đẹp thì chưa hẳn và nhất là không thể đạt yêu cầu về xanh. Đó là thực tế chúng tôi ghi nhận được qua nhiều đợt thực tế đến cơ sở hay tham gia các chuyến kiểm tra của Bộ GD&ĐT về thực hiện phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở một số tỉnh, còn thành trong cả nước.

Những “chiếc hộp” bê tông trường học

Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân là một trong những ngôi trường “điểm” của thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), đang thí điểm mô hình trường học mới khá thành công, nhận được sự đánh giá cao của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua. Về cơ sở vật chất (CSVC), có thể nói nơi đây là niềm mơ ước của nhiều ngôi trường tiểu học trên cả nước, kể cả đối với nhiều ngôi trường tiểu học ở các huyện ngoại thành những thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ ở những gốc cây và một dải đất nhỏ chưa rõ chức năng sử dụng) nằm bên hông văn phòng  là có đất và cỏ, nghĩa là, có một chút sự hiện diện của tự nhiên…

Hình ảnh này làm người viết nhớ lại lần tham gia đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cách đây ít lâu, kiểm tra thực hiện phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở một số huyện thuộc tỉnh Hưng Yên. Trường Tiểu học Dạ Trạch và trường Mầm non công lập Hoa Hồng (cùng huyện Khoái Châu) là 2 trong số các ngôi trường mà đoàn đến. Khi giới thiệu về CSVC, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dạ Trạch khi ấy là cô Đỗ Hồng Hà cho biết những năm gần đây, CSVC nhà trường được tăng cường đầu tư mạnh, mang lại bộ mặt mới so với trước. Lãnh đạo trường Mầm non công lập Hoa Hồng cũng cho biết: Không thể phủ nhận hiệu quả của việc tăng cường đầu tư mạnh cho các nhà trường với những dãy phòng học cao tầng, cổng trường và tường bao kiêm cố. Nhưng có điều đáng buồn là từ tầng cao nhìn xuống, cả trường tiểu học lẫn mầm non đều phủ kín bê tông. trên diện tích sân trường rất rộng, lác đác những khoảng vuông nho nhỏ để… “nhốt” các cây xanh. 

Trường tiểu học Dạ Trạch còn chừa lại 2 mảng nhỏ cho bãi cỏ, còn trường mầm non đã 100% bê tông hóa, Trong lớp, các bé đang được cô giáo mô tả qua tranh ảnh: Đây là cây xanh, đây là bãi cỏ, đây là ao cá. Ngoài sân trường rộng thênh thang, sắc trắng nhợt của bê tông cộng hưởng với nắng vàng giao mùa lóa mắt đến lạnh lùng.

Kiên cố hóa biến thành bê tông hóa ảnh 1
Các cháu trường mầm non công lập Hoa Hồng (huyện Khoái Châu Hưng Yên) chơi đùa trên sân trường được che kín bê tông

Trên đây chỉ là ba ví dụ nhỏ (chắc chắn chưa phải là điển hình nhất) của tình trạng bê tông hóa khuôn viên trường học hiện nay. Còn nhớ khi trao đổi bên lề với chúng tôi trong chuyến công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại Lào Cai và ghé thăm trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, ông Phạm Hùng Anh – Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, thừa nhận dường như chủ trương kiên cố hóa trường lớp học đã bị hiểu sai ở nhiều nơi, kiên cố hóa không có nghĩa là phải bê tông hóa toàn bộ khuôn viên. Với những trường học ở vùng nông thôn có lợi thế về diện tích, không gian xanh là rất cần thiết để HS được gần gũi với tự nhiên, điều mà HS thành phố thiệt thòi do eo hẹp về diện tích. 

Trước hết, phải thân thiện với tự nhiên...

Gần 30 năm trước thế hệ “7X” chúng tôi bước vào tiểu học, không kể ở các thành phố lớn, còn lại hầu hết các ngôi trường trên khắp nước đều mái tranh đơn sơ, sân trường chỉ là những bãi cỏ hay đất nện mà cây xanh thì bạt ngàn. Gần 20 năm trước, ngày đầu bước vào THPT, được lên học trường tỉnh, học trên nhà cao tầng, sân trường rộng rãi được đổ bê tông một phần nhưng vẫn có diện tích rất rộng cho bãi cỏ, cho cây xanh. Bây giờ mỗi lần có dịp trở lại, chỉ biết ngẩn ngơ trước cổng trường cao vút, nhìn vào trong chỉ thấy một màu bê tông trắng xóa.

Không chỉ những ngôi trường kỷ niệm thời cắp sách của cá nhân, gần đây khi có dịp trở lại trường THPT Định Hóa (huyện Định Hóa, Thái Nguyên), tôi cũng một phen ngẩn ngơ vì sự đổi thay của ngôi trường này. Cách đây gần chục năm khi lần đầu đến làm việc, ngôi trường vẫn rất xập xệ với các dãy nhà cấp 4, nay đã khá khang trang với các phòng học kiên cố, nhà hiệu bộ 2 tầng, có đầy đủ các phòng làm việc cho các tổ chuyên môn, phòng thí nghiệm, thư viện, phòng vi tính, nhà đa năng. Lãnh đạo nhà trường tự hào chỉ cho tôi đường vào trường, sân trường đã được bê tông hóa toàn bộ, nhưng cây xanh đã ít đi rất nhiều. 

Một quy luật chung chăng? Hay giấc mơ “bê tông” vốn kéo dài quá lâu ở những vùng khó nên đến khi có nguồn đầu tư thì cái gì kiên cố được là kiên cố tất? Điều đó cũng chưa hẳn. quan trọng là ở tầm nhìn. Mới đây thôi, chúng tôi có dịp đi đến thăm trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Hải Hậu, Nam Định), là một trong những điển hình trong công tác huy động các nguồn lực “xã hội hóa” xây dựng trường học của ngành Giáo dục Nam Định. Khi mới thành lập cách đây hơn 7 năm, nhà trường nằm giữa cánh đồng với CSVC ban đầu hầu như là con số không. Giờ đây cơ sở đã khang trang với vườn hoa, ao cá, sân vận động phục vụ học sinh, nhà để xe riêng biệt, nhà vệ sinh bảo đảm...vệ sinh. 

Thầy Bùi Quang Tiếp cho biết đó là nhờ sự giúp đỡ của địa phương và nhất là phong trào xã hội hóa của người dân, kể cả đối với công tác tư vấn xây dựng khuôn viên nhà trường theo nhu cầu của học sinh, lãnh đạo nhà trường đã thay đổi hẳn khái niệm cũ về bê tông hóa khuôn viên nhà trường. Thầy kể cho chúng tôi nghe về một lần tham khảo kinh nghiệm xây dựng trường học ở Singapore, cũng là một trong những tác động quan trọng giúp thầy và ban giám hiệu có cách nhìn nhận khác về khái niệm xây dựng khuôn viên và CSVC trường học: “Đất nước họ nhỏ như thế, giàu như thế nhưng trường học nào cũng rất rộng và không như mình cứ chỗ nào đổ bê tông được thì đổ. Ngược lại, chỗ nào trồng được cây là trồng, càng nhiều càng tốt, còn chỗ nào cần đổ bê tông mới đổ. Mình thì có rồi lại phá đi để bê tông hóa. Đúng là đi học người cái điều mình đã có mới hay đó mới là khoa học”.

Một câu nói vui đầy tâm sự. Học người điều mình đã có! Chợt nhớ tới hình ảnh các bé mẫu giáo trường Mầm non Hoa Hồng đang được các cô giới thiệu về cây cối, về ao hồ quan tranh ảnh. Những hình vẽ không khác gì cái cây, cái ao bên ngoài ngôi trường của các em. Để rồi khi đi học về, nhìn cái cây đó, có bé nào ngây thơ hỏi mẹ: Đó có phải là cái cây… trong ảnh?

Đó cũng có phải là đi học điều mình đã có?

Thực trạng đáng lo ngại

“Chúng ta xây dựng trường học thân thiện, trước hết phải thân thiện với tự nhiên. Nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong lòng trẻ nhỏ chính là nuôi dưỡng tình người cho các em. Đừng nghĩ đến điều gì to tát vội. Phương pháp dạy học mới rất cần, ứng dụng công nghệ thông tin rất cần, những lớp học kiên cố lại càng cần, nhưng nếu xa rời thiên nhiên, xa rời thực thế, liệu có thể phát triển toàn diện cho các em được không? Trường học thân thiện và hài hoà với tự nhiên rất được chú trọng ở các nước phát triển, nhưng dường như lại không được quan tâm ở nước ta, đó là một thực trạng rất đáng lo ngại”, ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) - trao đổi với chúng tôi điều này từ chuyến kiểm tra công tác thực hiện phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD&ĐT tại một số địa phương cách đây đã lâu; Dường như “thực trạng đáng lo ngại” đó lại đang có chiều hướng phát triển mạnh, song hành với điều kiện đầu tư CSVC trường học ngày càng được nâng cao ở các địa phương. 

Nhà trường “xanh, sạch, đẹp” là một trong những tiêu chí hàng đầu trong phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước với sự đầu tư ngày càng lớn cho giáo dục, các ngôi trường đang dần biến thành những hộp bê tông, không chỉ ở thành thị mà ngay các vùng nông thôn cũng vậy. 

Lớp học được bê tông hoá là điều đáng mừng; sân trường cũng bê tông hoá hoàn toàn; cây xanh cũng… bê tông hoá tận gốc, bãi cỏ xanh góc sân trường chỉ còn trong hồi ức của các thế hệ HS đi trước. Chính quyền địa phương và lãnh đạo các nhà trường có quyền tự hào khi giới thiệu cơ sở vật chất trường học của mình đã không thua gì chốn thị thành, nhưng có mấy ai nhận ra các “hộp bê tông” đó đang đẩy các em HS của mình ngày càng xa rời với môi trường tự nhiên?

Anh Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...