(GD&TĐ) - Nghe bác sĩ thông báo con mình mắc bệnh tan máu bẩm sinh do hai vợ chồng cùng mang gen bệnh, anh Nguyễn Đức Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) choáng váng. Anh tâm sự: Lo cho sức khỏe của con một thì vợ chồng tôi tự trách bản thân mười bởi chỉ vì sự lơ là trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.
Bố mẹ chủ quan
Quỳnh Anh và bạn trai những ngày này luôn bận “tối mặt tối mũi” bởi phải chuẩn bị mọi việc cho đám cưới của mình. Quỳnh Anh chia sẻ: Chúng em đã mất gần 2 tháng để chuẩn bị mọi thứ, từ mua sắm đồ dùng, đặt cỗ, chụp ảnh cưới... Nghe danh sách công việc hai bạn trẻ đã làm quả là nhiều nhưng cái quan trọng nhất để bước vào cuộc sống hôn nhân là sức khỏe lại không được nhắc tới. Hỏi đã đi khám sức khỏe chưa thì cả hai cùng cười trả lời: “Bận quá, quên mất. Mà từ trước đến nay chúng em có ốm đau bệnh tật gì đâu mà phải khám mới xét. Vừa tốn tiền lại còn bị đối tác nghi mình không tin tưởng…”.
TS.BS Dương Bá Trực (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết: Không cần thiết phải khám sức khỏe tiền hôn nhân là quan niệm của đa phần các bạn trẻ hiện nay. Một phần, do các bạn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của sức khỏe mỗi người sau khi kết hôn, đặc biệt là việc sức khỏe của bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào. Đồng tình với nhận định trên, anh Hùng cũng chỉ mong ước được quay lại thời mới yêu để cùng nhau đi khám sức khỏe, loại trừ gen gây bệnh ở hai phía. Anh chia sẻ: Vợ chồng đều là tri thức, làm việc ở trong nước, nước ngoài mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình đang mang gen bệnh nào đó. Nay thấy con mắc bệnh vì sự chủ quan của mình thì ân hận cũng đã muộn.
Cần tăng cường tuyên truyền phòng chống bệnh cho giới trẻ. Ảnh minh họa: Quang Huy |
Con mắc bệnh
Theo TS.BS Dương Bá Trực, những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm giảm dần nhưng bệnh mang tính di truyền lại có chiều hướng tăng, đặc biệt là bệnh liên quan đến máu (tan máu bẩm sinh, máu không đông…). Những bệnh di truyền ngoài yếu tố do hôn nhân cận huyết, phần lớn do người dân ngại làm các xét nghiệm để phát hiện gen gây bệnh. Kết quả điều tra của Bệnh viện Nhi T.Ư tại 3 xã Nam Thượng, Đú Sáng và Kim Bôi (Hòa Bình) với 712 người tham gia thì có tới 23% người tiềm ẩn gen gây bệnh thiếu máu huyết tán. “Những người mang gen bệnh trên nếu không biết mà kết hôn với nhau sẽ sinh ra những đứa con mang bệnh nhưng nếu chỉ có bố hoặc mẹ mang gen bệnh thì con của họ sẽ phát triển bình thường”, BS Trực khẳng định. Do vậy, việc tuyên truyền để giới trẻ, đặc biệt là người dân các vùng dân tộc tham gia xét nghiệm sàng lọc gen gây bệnh là vô cùng cần thiết.
Em Bùi Văn Chính (Nam Thượng, Kim Bôi, Hòa Bình) cũng không khỏi lo lắng khi biết mình mang gen bệnh. Tuy nhiên, khi được các bác sĩ tư vấn nên kết hôn với người không mang gen gây bệnh, em đã bớt lo và quyết tâm đề nghị bạn gái của mình làm xét nghiệm sàng lọc trước khi kết hôn. “Em biết khi đề nghị cô ấy đi làm xét nghiệm sẽ bị phản đối nhưng với kiến thức được trang bị, thực tế những gia đình có cha mẹ cùng mang gen bệnh, em tin sẽ thuyết phục được bạn gái của mình” - Chính trao đổi.
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp mỗi người phát hiện ra gen gây bệnh mà còn giúp các bạn trẻ chủ động phòng ngừa với các bệnh lây truyền qua đường tình dục (viêm gan B, sùi mào gà, HIV…); - Truyền thông trực tiếp là phương pháp hiệu quả đối với thanh thiếu niên và người dân tộc thiểu số. Biện pháp tốt nhất là cung cấp thông tin về nguy cơ của bệnh và đưa ra thông tin để họ nhận thấy mặt có lợi nếu thay đổi hành vi. (BS Dương Bá Trực, Bệnh viện Nhi T.Ư). |
Hoài Thu