Kiếm tiền từ… cào cào, châu chấu

GD&TĐ - Từ vài năm nay, một số người nông dân ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) có thu nhập khá nhờ công việc hàng ngày đi bắt cào cào, châu chấu. 

Kiếm tiền từ… cào cào, châu chấu

Sở dĩ công việc “phát sinh” khá mới mẻ này mang lại thu nhập khá là vì trào lưu nuôi chim cảnh trong dân nhiều, vì thế mà nguồn cào cào, châu chấu vốn là loại thức ăn được xem là “khoái khẩu” giàu dinh dưỡng của chim cảnh luôn khan hiếm.

Xuất phát từ nhu cầu cần nguồn hàng cào cào, châu chấu của thị trường, mới đầu một số người dân ở Kim Nỗ, do quen biết với những đầu nậu, cửa hàng buôn bán chim cảnh trong nội thành, và được họ chỉ dẫn nên đã bắt đầu “thử” với công việc đi bắt cào cào, châu chấu.

Công việc không quá vất vả này không ngờ lại mang lại thu nhập khá cao cho họ. Một người trong một ngày lang thang ở bờ cỏ ngoài cánh đồng có thể vợt, bắt được trên dưới nửa kilogam cào cào, châu chấu, bán được khoảng vài trăm ngàn đồng.

Những người bắt giỏi, bắt được số lượng cào cào, châu chấu nhiều kiếm cả nửa triệu 1 ngày cũng không phải là hiếm. Thấy công việc bắt cào cào, châu chấu kiếm tiền dễ, dần dần nhiều người dân trong xã bắt chước làm theo và vì thế mà số lượng nông dân “lao” vào công việc này ngày một đông.

Không chỉ người dân trong xã, nhiều người dân ở các xã lân cận trong huyện cũng rủ nhau ra cánh đồng để bắt cào cào, châu chấu trong những lúc rảnh rỗi với mong muốn kiếm thêm thu nhập.

Chị Lê Thị Hà, một trong những người đầu tiên ở địa phương làm công việc này cho hay, mỗi ngày chị đều cùng đứa con lớn lang thang ở cánh đồng trong xã, ra cả các xã bên cạnh để bắt cào cào, châu chấu.

Có thể bắt bằng tay, hay dùng vợt để vợt..., và dù bắt bằng cách nào đi chăng nữa thì cào cào, châu chấu luôn phải giữ cho chúng còn sống mạnh khỏe, bởi những con chết bán sẽ khó, mà còn rẻ...

Chị Hà kể: “Khi mua cào cào, châu chấu, các chủ buôn bán thức ăn chim cảnh mang đóng gói với khoảng mỗi túi khoảng 10 con cào cào, châu chấu và bán với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/túi.

Tôi đã thử đếm, tính thì với 1 kg cào cào châu chấu mà họ đóng túi bán cho người mua về cho chim ăn, họ lãi tới 300 - 400 ngàn đồng...”.

Dẫu thu nhập khá từ công việc nhàn hạ là vậy, nhưng theo một số người làm nghề thì việc có con mắt tinh tường để phát hiện ra khu bãi cỏ, ruộng mạ, ruộng lúa non nào có nhiều cào cào, châu chấu cũng là cả một vấn đề đòi hỏi kinh nghiệm. Chính yếu tố này mới khiến người đi bắt có thành quả cao hay thấp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.