Kiềm chế cơn nóng giận khi dạy con

GD&TĐ - Trong quá trình nuôi dạy con của mình, ông bố, bà mẹ nào cũng từng trải qua trạng thái cáu giận, la mắng vì con nghịch ngợm, không chịu nghe lời. 

Kiềm chế cơn nóng giận khi dạy con

Tuy nhiên, nếu bị bố mẹ la mắng thường xuyên trẻ sẽ sợ hãi và có thể sinh ra những hành động tiêu cực. Điều quan trọng là cha mẹ cần biết cách giải quyết mâu thuẫn và cách kiềm chế cơn nóng giận trong khi dạy dỗ trẻ.

Từ bức tâm thư của phụ huynh

Câu chuyện dưới đây là 1 trong những mẩu chuyện đau lòng mà tôi đọc được từ bức tâm thư của những bậc cha mẹ. Và những câu chuyện thương tâm như vậy luôn tái diễn hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đó là câu chuyện giữa chị Thu và bé Bông.

Một hôm đi làm về, thấy bé Bông đang ngồi vẽ, chị Thu hỏi con gái: “Con đang vẽ gì vậy?”. Bé Bông trả lời hồn nhiên: “Con vẽ gia đình mình, mẹ ạ!”.

Chị Thu cầm bức tranh của Bông và không thể tin được những gì mình đang nhìn. Những nét vẽ nguệch ngoạc trên trang giấy, tuy không rõ ràng nhưng cũng để chị hiểu ra nội dung của bức tranh trên đó…. nó như một nhát dao đâm vào trái tim chị, khiến chị đau xé lòng.

Trong tranh không phải những hình ảnh thông thường cả gia đình vui vẻ nắm tay nhau đi chơi công viên hay mẹ ẵm con, mà là một đứa trẻ bị ba mẹ chỉ tay vào mặt, chuyển sang bức thứ 2, cảnh đứa trẻ nằm sấp trên giường và người lớn cầm roi… tay chị run rẩy, chị không dám xem thêm bức thứ 3. Chị nghẹn ngào ôm Bông và khóc không thành tiếng. Bông không hiểu gì cả nhưng thấy mẹ khóc, nó cũng buồn buồn và vuốt lưng chị.

Chị Thu không ngờ thỉnh thoảng cãi nhau với chồng hay những lúc đi làm về mệt mỏi, áp lực công việc, gánh nặng gia đình, nhiều việc không như ý khiến chị trút giận lên con… những kí ức tội lỗi về quá khứ như những thước phim quay ngược đang chạy trong đầu chị. Chị hối hận nhưng không biết làm gì và chỉ thốt ra được câu: “Mẹ xin lỗi con!!”.

Câu chuyện như thế này hẳn không hiếm trong những gia đình Việt. Thường do bận nhiều việc, hễ gặp vấn đề gì là cha mẹ không kiểm soát được cảm xúc tức giận của bản thân, “cơn giận” chuyển thành bạo lực, la hét hay quát mắng. Điều đó vô tình đã ảnh hưởng lớn đối với trẻ.

Luôn giữ cho cảm xúc thăng bằng

ThS tâm lý Trịnh Văn Tùng, Trưởng bộ môn Tâm lý Giáo dục Trường CĐSP Mẫu giáo T.Ư cho rằng, khi nóng giận, người ta có thể làm bất cứ điều gì từ phá hỏng đồ đạc quý đến làm tan nát cả sự nghiệp, gia đình.

Hậu quả của những cơn giận là rất khó lường. Nếu cha mẹ nóng giận với con, bé sẽ bị tổn thương về thể chất và tinh thần. Khi bị nhiếc móc vô cớ, bé cảm thấy oan uổng, sợ hãi, uất ức. Khi bị cha mẹ đánh đập, bạo hành, bé sẽ bị đau đớn, tàn tật. Còn bản thân cha mẹ nếu nổi nóng cũng có thể phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe của mình.

Lối sống của một gia đình rất quan trọng đối với trẻ. Nếu một gia đình không hoàn hảo và những gì xảy ra hàng ngày đối với người lớn sẽ ăn sâu vào ký ức con trẻ, dần dần trẻ sẽ suy nghĩ theo chiều hướng sai trái của người lớn.

Một lời khuyên hết sức sáng suốt cho các bậc cha mẹ là đừng lãng phí những cơn tức giận vì những lỗi nhỏ nhặt của con. Nếu bé nhà bạn chẳng may ném một mẩu bánh xuống sàn nhà hay làm đổ hết cốc sữa đang uống dở thì điều đó cũng không có gì là ghê gớm.

Đừng kỳ vọng hoàn hảo, không mắc lỗi hay ngôn ngữ lịch thiệp ở một em bé mọi lúc. Một điều vô cùng đơn giản mà lại rất hiệu quả là hãy nhắc con sửa lỗi rồi bỏ qua nó.

Hầu như trong quá trình nuôi dạy con của mình, ông bố, bà mẹ nào cũng từng trải qua trạng thái cáu giận vì con nghịch ngợm, làm hỏng đồ đạc trong nhà, nói mãi không chịu nghe, thậm chí con hỏi quá nhiều, hay khi học bài cùng con mà giảng mãi con không hiểu cũng khiến bố mẹ “sôi máu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.