Mới đây, 2 nhà khoa học đã đưa ra một tuyên bố gây chấn động rằng sa mạc lớn nhất thế giới đã mở rộng thêm 10% diện tích kể từ đầu thế kỷ 20, tương đương diện tích của bang Texas.
Điều này là không tốt một chút nào! Tuy nhiên, các chuyên gia mà Earther liên hệ lại tỏ ra hoài nghi với những phát hiện của nghiên cứu trên, cho rằng cần phải có thêm nhiều cuộc nghiên cứu và thu thập dữ liệu về Sahara nói riêng và toàn bộ khu vực Bắc Phi nói chung.
Để theo dõi những thay đổi của Sahara theo thời gian, các nhà nghiên cứu của Đại học Maryland đã sử dụng một bộ số liệu lượng mưa toàn cầu, trong đó có biểu đồ lượng mưa phân bố khắp châu Phi.
Theo họ, nếu lượng mưa ở một nơi nào đó nhỏ hơn lượng mưa trung bình mỗi năm của khu vực thì nơi đó được xác định là diện tích sa mạc. Bằng cách này, họ phát hiện ra rằng trong giai đoạn 1920-2013, sa mạc Sahara mở rộng khoảng 270.000 dặm vuông (khoảng 700.000 km²).
Theo báo cáo của các nhà khoa học được công bố vào ngày 29/3 vừa qua trên Tạp chí Khí hậu thì sự sa mạc hóa này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sự chuyển đổi từ vùng nước nóng hơn sang Bắc Đại Tây Dương và hiện tượng AMO (Trong khi vùng Đại Tây Dương thuộc khu vực nhiệt đới ấm hơn mức bình thường thì phía Bắc Đại Tây Dương lại lạnh hơn mức bình thường, điều này sẽ tác động tới dao động đa thập kỷ Đại Tây Dương (Atlantic Multidecadal Oscillation - AMO) khiến mùa bão hoạt động mạnh hơn).
Những sự tác động này diễn ra trong khoảng thời gian từ 50 đến 80 năm. Ngoài ra, thay đổi khí hậu do con người gây ra cũng được cho là một nguyên nhân khiến sa mạc mở rộng.
Đồng tác giả Sumant Nigam chia sẻ với Earther : "Cả hai tác động này diễn ra chồng chéo lên nhau và chúng đều dẫn đến hiện tượng Sahara mở rộng ra, đặc biệt là ở rìa phía nam". Ông lưu ý thêm rằng khi AMO chuyển sang giai đoạn lạnh vào những năm 1950, lượng mưa trong ở vùng Sahel thuộc phía nam sa mạc Sahara đã giảm dần.
Theo Hiệp hội Trái đất của NASA, kể từ cuối những năm 1990, khi AMO chuyển sang giai đoạn "ấm áp", Sahel đã có một khí hậu ấm hơn, ẩm ướt hơn. Nhưng nghiên cứu cũng kết luận rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khô hạn trên diện rộng.
Điều này là đáng báo động, khi hàng chục triệu nông dân "tự cung tự cấp" sống ở vùng Sahel phụ thuộc vào lượng nước mưa để tưới cho mùa màng. Những năm hạn hán gần đây đã dẫn đến nạn đói phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Tuy nhiên, nhà khoa học về khí hậu Kevin Trenberth của Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia, người không tham gia nghiên cứu này, trả lời với Earther qua email rằng nghiên cứu này chưa đủ mức tin cậy vì nó thu thập số liệu thưa thớt và không đồng nhất về lượng mưa ở châu Phi.
Để đáp lại lời chỉ trích này, Nigam khẳng định các vấn đề chất lượng dữ liệu "luôn là mối quan tâm của nghiên cứu". Vì lí do này, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích dữ liệu của Sahara sau năm 1920 khi lượng mưa ở khu vực này đã trở nên tương đối ổn định.
Nhà khoa học về khí hậu của tiểu bang Pennsylvania, ông Michael Mann (cũng không tham gia vào nghiên cứu) cho rằng thủ tục thống kê mà các tác giả sử dụng để xác định AMO là "sai sót chết người" và nó ảnh hưởng đến kết luận cuối cùng của nghiên cứu.
Một số nhà khoa học khác thì nhìn kết quả nghiên cứu dưới góc độ thận trọng hơn. Hầu hết đều thống nhất ở việc những nghiên cứu về biến đổi khí hậu có mối liên kết với các khu vực nghèo nhất trên thế giới và cũng là tiền đề để tìm kiếm các giải pháp cải thiện, khắc phục.