Và có điều lạ, rằng qua gần hai thập kỷ, thông điệp chính của phim không hề cũ, vẫn đau đáu trăn trở trong lòng người Việt, về một cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc, để giành lại sức sống cho nhân cách Việt.
Một cuộc chiến thầm lặng
Kịch bản phim “Thầy giáo dạy văn” lấy bối cảnh thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc chiến khốc liệt giành lại độc lập cho dân tộc, nhiều người trẻ phải lên đường đánh giặc, để lại sau lưng gia đình, ước vọng nghề nghiệp, quê nhà, và nhất là tình yêu nồng nàn tuổi trẻ. Cuộc chiến đấu nơi chiến trường ác liệt, bom đạn, sinh tử, thì đã được miêu tả trong nhiều tác phẩm văn học. Còn trong kịch bản phim này của nhà văn Lê Hoài Nam, còn có một cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến thầm lặng bảo vệ tình yêu lứa đôi.
Thầy giáo dạy văn Đức Nguyên, một biểu tượng đẹp của người thầy, một tâm hồn lãng mạn với lý tưởng sống, yêu đáng ngưỡng vọng. Và học trò Kim Tước, cô lớp trưởng xinh đẹp, một tài năng thơ tiềm ẩn đã được khơi nguồn để phát lộ từ tình yêu đầu đời mãnh liệt với thầy giáo Đức Nguyên, thần tượng của cô. Quả như thông điệp được nhắc lại đôi ba lần trong kịch bản “Trong tình yêu không có khái niệm sợ hãi”, cuộc tình đầy trắc trở của thầy giáo trẻ và cô học trò non nớt đã quả cảm vượt qua mọi rào chắn, quan niệm, và cả những trói buộc trong tâm tưởng, để thăng hoa rực rỡ, xứng là một cuộc tình lãng mạn trong mơ.
Nhưng rồi Kim Tước nhập ngũ, còn thầy giáo trẻ Đức Nguyên du học Liên Xô (cũ). Cuộc tình của họ đứng trước một thách thức vô cùng lớn. Sự khắc nghiệt của chiến tranh, và khoảng cách ngàn trùng về địa lý. Ngoài tuyến đầu là cuộc chiến tranh vệ quốc, giành độc lập với bom rơi đạn nổ, còn trong lòng hai người yêu nhau: Đức Nguyên và Kim Tước là cuộc chiến thầm lặng, họ sẽ bảo vệ bằng được tình yêu này, hay sẽ vĩnh viễn mất nó? Tình yêu ấy không chỉ là tình cảm trai gái thông thường, đã được nâng lên thành biểu tượng của lý tưởng, nhân cách con người đất Việt. Chiến tranh, khoảng cách địa lý, sự cám dỗ của lối sống thực dụng, xa hoa, của danh vị, của nhan sắc… có thể làm bất cứ ai chao đảo, có thể đánh bại bất cứ tâm hồn yếu đuối nào.
Ngay cả khi chiến tranh vệ quốc đã kết thúc, đất nước được giải phóng, thì cuộc chiến thầm lặng kia vẫn còn tiếp tục nổi bão giông trong lòng mỗi người, khiến trái tim rỉ máu, khiến nước mắt không ngừng tuôn rơi, khiến nhiều cuộc tình lãng mạn, đẹp đẽ bị bức tử, như cuộc tình giữa Kim Tước và thầy giáo Đức Nguyên.
Ở nước Nga xa xôi, với vầng hào quang của kiến thức và danh vị, với sự cám dỗ của nhan sắc và tấn công quyết liệt của một người đàn bà khác, thầy giáo Đức Nguyên đã “đầu hàng”. Kịch tính được đẩy lên đỉnh điểm trong bối cảnh phim, khi Kim Tước xanh xao tái mét vì sốt rét rừng, sung sướng ngập tràn vượt nửa ngàn cây số từ chiến trường ra sân bay đón người yêu từ nước Nga trở về, thì chết sững khi thấy anh đã ở trong vòng tay một người đàn bà khác, nhan sắc rực rỡ, trang sức lóng lánh, đắc thắng vì đã sở hữu được Đức Nguyên! Cả Kim Tước và Đức Nguyên đều thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến này, họ đã không bảo vệ được tình yêu đẹp đẽ đó!
Sự độc đáo và sức sống của phim
Như trên đã đề cập, bộ phim dù đã qua gần hai thập kỷ, nhưng vẫn có sức hút kỳ lạ với khán giả nay, do sự độc đáo và tính nhân văn sâu sắc. Nếu như trong cảnh huống thông thường, ta hay gặp trường hợp chàng trai ra chiến trận, để lại quê nhà cô người yêu nhỏ bé, thì trong kịch bản phim “Thầy giáo dạy văn” của Nhà văn Lê Hoài Nam, anh đã đảo ngược tình thế, nàng con gái mỏng manh và mơ mộng Kim Tước lại là người ra chiến trận ác liệt, với bom đạn đâu dành cho đàn bà và trẻ em, còn thầy giáo Đức Nguyên ở lại hậu phương, đi du học, với một cuộc chiến nội tâm dữ dội, và thầy chấp nhận thua cuộc vào phút chót.
Kịch bản phim đưa ra một câu hỏi lớn đối với con người Việt Nam hôm nay: Nhân cách Việt là gì, sức sống Nhân cách Việt thế nào? Chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu đầy tinh tế hôm nay hay chăng, khi bom đạn đã lùi xa, chỉ còn sự tấn công tinh vi và xảo quyệt của kinh tế và văn hóa? Kinh tế có đè bẹp nhân cách, những nền văn hóa sừng sỏ có sẵn sàng lấn át nền văn hóa yếu ớt mỏng manh?
Nhân cách thầy Đức Nguyên chính là nguyên mẫu điển hình cho cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc của bản thể và bản ngã trong một con người Việt Nam. Nỗi đau khổ của thầy Đức Nguyên khi bị vợ con, danh vị, kinh tế thị trường biến thầy thành cỗ máy kiếm tiền, dần dần biến thầy thành lạnh lùng, vô cảm trước mọi sự sinh, tình cảm và bất an của những học trò, bạn văn, thầy giáo cũ, người yêu cũ… Thầy đau khổ triền miên trong khi kinh tế gia đình đi lên mức xa hoa, trong tiền tài danh vọng đủ đầy, trong mô hình gia đình vương giả… Bản thể trong thầy chưa tắt hẳn, dù nó bị đè nén xuống đáy, thì nó đôi khi trỗi lên đòi sự sống, khi thầy gặp con gái người yêu cũ, đồng thời là sinh viên mới của mình – Thạch Hãn, khi thầy gặp lại thầy giáo cũ nơi quê nhà Hải Hậu… Chính vì thế, cuộc chiến nội tâm tiếp tục hành hạ thầy Đức Nguyên.
Cuộc chiến ấy cũng đang hành hạ mỗi chúng ta hôm nay, khiến chúng ta thống khổ. Nhà văn Lê Hoài Nam đã thực sự thành công trong tác phẩm kịch bản “Thầy giáo dạy văn”, khi ông chỉ ra rằng, tại sao chúng ta cần giữ bằng được Nhân cách Việt, giữ bằng được sự tử tế ở đời, hơn cả phấn đấu làm kinh tế, hơn cả nhu cầu vươn lên đạt mọi điều bằng mọi giá, chẳng để làm gì cả, khi anh phải bán rẻ nhân cách, khi anh phải tự đè nén bản thể của mình. Đó là anh đã tự chôn mình, trong nấm mồ cơ thể.
Kịch bản “Thầy giáo dạy văn” của Nhà văn Lê Hoài Nam, và thông điệp sâu sắc đó, khiến tôi nhớ tới lời của nhà thơ, triết gia đương thời của Hungary: Sandor Halmosi, rằng, khi ra đường, ta gặp rất nhiều ai đó, nhưng rất hiếm khi gặp được NGƯỜI!